Bắt buộc thực hiện đấu thầu quốc tế khi sử dụng nguồn vốn nước ngoài?
Buộc thực hiện đấu thầu quốc tế khi sử dụng nguồn vốn nước ngoài?
Đơn vị chúng tôi chuẩn bị thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường giao thông với nguồn vốn ODA của nước ngoài. Bên nhà tài trợ vốn ODA hiện vẫn không thấy có yêu cầu phải đấu thầu quốc tế để chọn đơn vị thi công. Vậy thì chúng tôi có phải thực hiện đấu thầu quốc tế hay không?
Trả lời:
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 15 Luật Đấu thầu 2013 các trường hợp phải thực hiện đấu thầu quốc tế bao gồm:
Việc tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu chỉ được thực hiện khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
- Nhà tài trợ vốn cho gói thầu có yêu cầu tổ chức đấu thầu quốc tế;
- Gói thầu mua sắm hàng hóa mà hàng hóa đó trong nước không sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, giá. Trường hợp hàng hóa thông dụng, đã được nhập khẩu và chào bán tại Việt Nam thì không tổ chức đấu thầu quốc tế;
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp mà nhà thầu trong nước không có khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu.
Vậy với trường hợp nhà tài trợ vốn gói thầu có yêu cầu tổ chức đấu thầu quốc tế thì mới cần thực hiện đấu thầu quốc tế. Trong trường hợp của đơn vị bạn, nếu nhà tài trợ vốn ODA không có yêu cầu thực hiện đấu thầu quốc tế mà các đơn vị trong nước có thể đáp ứng được các yêu cầu thì không phải thực hiện đấu thầu quốc tế.
Có thể sử dụng ngôn ngữ khác ngoài tiếng việt và tiếng anh trong đấu thầu không?
Xin được hỏi: Theo quy định pháp luật hiện hành thì có thể sử dụng ngôn ngữ khác ngoài tiếng việt và tiếng anh trong đấu thầu không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 9 Luật đấu thầu 2013 quy định về ngôn ngữ trong đấu thầu như sau:
Ngôn ngữ sử dụng trong đấu thầu
Ngôn ngữ sử dụng trong đấu thầu là tiếng Việt đối với đấu thầu trong nước; là tiếng Anh hoặc tiếng Việt và tiếng Anh đối với đấu thầu quốc tế.
Như vậy, về nguyên tắc thì đối với đấu thầu trong nước, ngôn ngữ sử dụng trong đấu thầu là tiếng Việt còn sử dụng tiếng Anh hoặc tiếng Việt và tiếng Anh đối với đấu thầu quốc tế. Do đó, không được thực hiện ngôn ngữ thứ ba (ngôn ngữ khác ngoài tiếng anh và tiếng việt) theo quy định trên.
Chi nhánh hạch toán phụ thuộc được tham gia đấu thầu qua mạng?
Vui lòng cho hỏi, trường hợp chi nhánh hạch toán phụ thuộc được tham gia đấu thầu qua mạng trong trường hợp nào? Mong sớm nhận phản hồi.
Trả lời:
Tại Khoản 13 Điều 1 Luật Đấu thầu 2013, có quy định:
Đấu thầu qua mạng là đấu thầu được thực hiện thông qua việc sử dụng hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Và Khoản 1 Điều 5 Luật Đấu thầu 2013.
Nhà thầu, nhà đầu tư là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu, nhà đầu tư đang hoạt động cấp;
- Hạch toán tài chính độc lập;
- Không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật;
- Đã đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
- Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Điều 6 của Luật này;
- Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu;
- Có tên trong danh sách ngắn đối với trường hợp đã lựa chọn được danh sách ngắn;
- Phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước đối với nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc nào của gói thầu.
Như vậy, theo quy định định nêu trên thì để được xác định là nhà thầu thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên, việc chi nhánh hạch toán phụ thuộc thì không thuộc trường hợp để được xem là nhà thầu hay là nhà đầu tư. Vì vậy cũng không thể tham gia đấu thầu qua mạng được.
Trân trọng.
Lê Bảo Y