Chồng có phải cấp dưỡng cho vợ sau khi ly hôn? Lý do xin ly hôn nào có thể được Tòa án chấp nhận?
Chồng có phải cấp dưỡng cho vợ sau khi ly hôn?
Tôi được biết nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn là người không nuôi con cấp dưỡng cho con. Tuy nhiên, luật có quy định về chồng phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho vợ sau ly hôn không?
Trả lời: Căn cứ Điều 115 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn
Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.
Như vậy, có thể thấy ngoài việc cấp dưỡng cho con như thường lệ thì đối với vợ chồng cũng phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau sau ly hôn khi xét thấy bên kia khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên còn lại có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình. Tuy nhiên, pháp luật không quy định cụ thể như thế nào là khó khăn, túng thiếu, nên nếu muốn được cấp dưỡng phải phụ thuộc vào nhận định của Tòa án.
Lý do xin ly hôn nào có thể được Tòa án chấp nhận?
Xin hỏi theo quy định hiện hành thì có những lý do xin ly hôn nào để có thể được Tòa án chấp nhận? Theo hướng yêu cầu của một bên.
Trả lời: Căn cứ Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định
Ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
Tại mục 8 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn căn cứ cho ly hôn như sau:
a. Theo quy định tại khoản 1 Điều 89 thì Toà án quyết định cho ly hôn nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài được, mục đích của hôn nhân không đạt được.
a.1. Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:
- Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
- Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
- Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;
a.2. Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại điểm a.1 mục 8 này. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.
a.3. Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.
b. Theo quy định tại khoản 2 Điều 89 thì: "trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Toà án tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Toà án giải quyết cho ly hôn". Thực tiễn cho thấy có thể xảy ra hai trường hợp như sau:
b.1. Người vợ hoặc người chồng đồng thời yêu cầu Toà án tuyên bố người chồng hoặc người vợ của mình mất tích và yêu cầu Toà án giải quyết cho ly hôn. Trong trường hợp này nếu Toà án tuyên bố người đó mất tích thì giải quyết cho ly hôn; nếu Toà án thấy chưa đủ điều kiện tuyên bố người đó mất tích thì bác các yêu cầu của người vợ hoặc người chồng.
b.2. Người vợ hoặc người chồng đã bị Toà án tuyên bố mất tích theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan. Sau khi bản án của Toà án tuyên bố người vợ hoặc người chồng mất tích đã có hiệu lực pháp luật thì người chồng hoặc người vợ của người đó có yêu cầu xin ly hôn với người đó. Trong trường hợp này Toà án giải quyết cho ly hôn.
b.3. Khi Toà án giải quyết cho ly hôn với người tuyên bố mất tích thì cần chú ý giải quyết việc quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích theo đúng quy định tại Điều 89 Bộ luật dân sự.
Như vậy, về căn cứ chung khi rơi vào trường hợp là: Có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Tòa án sẽ giải quyết ly hôn. Đồng thời, tùy từng vụ án hôn nhân và cách chứng minh cũng như vấn đề khác để Tòa có thể xem xét giải quyết vấn đề ly hôn này của vợ, chồng.
Muốn ly hôn mà không qua thủ tục hòa giải ở thôn, xã có được không?
Dạ, tôi muốn làm thủ tục ly hôn đơn phương với chồng tôi, nhưng không muốn thông qua thủ tục hòa giải ở thôn, xã có được không?
Trả lời: Căn cứ Điều 52, Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về khuyến khích hòa giải ở cơ sở như sau:
Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
Bên cạnh đó, quy định về hòa giải tại Tòa án: Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Như vậy, về nguyên tắc vấn đề hòa giả cơ sở (xã, thôn) chỉ mang tính khuyến khích, mà không bắt buộc. Như vậy bạn có quyền nộp hồ sơ lên Tòa án yêu cầu giải quyết ly hôn mà không phải qua hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải tại Tòa án.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi