Thẩm phán có nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào trong tố tụng dân sự?
Thẩm phán có nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào trong tố tụng dân sự?
Căn cứ theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định theo đó:
Khi được Chánh án Tòa án phân công, Thẩm phán có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, thụ lý vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.
- Lập hồ sơ vụ việc dân sự.
- Tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ, tổ chức phiên tòa, phiên họp để giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.
- Quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
- Quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự, quyết định tiếp tục đưa vụ việc dân sự ra giải quyết.
- Giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
- Tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định của Bộ luật này.
- Quyết định đưa vụ án dân sự ra xét xử, đưa việc dân sự ra giải quyết.
- Triệu tập người tham gia phiên tòa, phiên họp.
- Chủ tọa hoặc tham gia xét xử vụ án dân sự, giải quyết việc dân sự.
- Đề nghị Chánh án Tòa án phân công Thẩm tra viên hỗ trợ thực hiện hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này.
- Phát hiện và đề nghị Chánh án Tòa án kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Bộ luật này.
- Xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự theo quy định của pháp luật.
- Tiến hành hoạt động tố tụng khác khi giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.
Thẩm phán có nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào trong tố tụng dân sự? (Hình từ Internet)
Hội thẩm nhân dân có thẩm quyền như thế nào so với thẩm phán?
Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:
Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án dân sự
1. Việc xét xử sơ thẩm vụ án dân sự có Hội thẩm nhân dân tham gia theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.
2. Khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án dân sự, Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán.
Theo đó, khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án dân sự thì Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán.
Việc xét xử sơ thẩm vụ án dân sự có Hội thẩm nhân dân tham gia theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.
Vụ án dân sự nào bắt buộc có hai Thẩm phán và ba Hội thẩm tham gia?
Căn cứ Điều 63 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự như sau:
Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự
Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân, trừ trường hợp quy định tại Điều 65 của Bộ luật này. Trong trường hợp đặc biệt thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân.
Đối với vụ án có đương sự là người chưa thành niên thì phải có Hội thẩm nhân dân là người đã hoặc đang công tác tại Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em.
Đối với vụ án lao động thì phải có Hội thẩm nhân dân là người đã hoặc đang công tác trong tổ chức đại diện tập thể lao động hoặc người có kiến thức về pháp luật lao động
Như vậy, đối với vụ án dân sự không bắt buộc phải có hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân tham gia mà trong thường hợp đặc biệt thì có thể có hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nêu trên.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn