Hợp đồng sẽ vô hiệu khi lập mà không có quốc hiệu và tiêu ngữ?
Hợp đồng sẽ vô hiệu khi lập mà không có quốc hiệu, tiêu ngữ?
Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 thì điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:
"1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định."
Từ Điều 123 đến Điều 129 của Bộ luật Dân sự nêu ra những trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu cũng không yêu cầu phải có tiêu ngữ, quốc hiệu. Cụ thể tại Điều 129 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:
1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.
Hình thức ở đây chỉ bắt buộc công chứng, chứng thực. Quy định của bộ luật dân sự không bắt buộc trong hợp đồng phải có tiêu ngữ, quốc hiệu. Như vậy, hợp đồng không có tiêu ngữ, quốc hiệu nếu nội dung hợp đồng không vi phạm pháp luật thì vẫn là hợp pháp.
Hợp đồng thuê mặt bằng có cần công chứng?
Điều 472 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Hợp đồng thuê tài sản
Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.
Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Hợp đồng thuê mặt bằng bản chất là hợp đồng dân sự, các bên có quyền thỏa thuận về thời gian, giá cả và các vấn đề liên quan đến việc thực hiện hợp đồng. Hiện nay đối với hợp đồng thuê mặt bằng thì pháp luật không bắt buộc các bên phải công chứng.
Người đủ 16 tuổi được lập hợp đồng vay tiền chưa?
Căn cứ Điều 21 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
- Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
- Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
- Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Như vậy, trường hợp 16 tuổi, do đó có đủ năng lực hành vi dân sự để xác lập hợp đồng vay và tự chịu trách nhiệm, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Trân trọng!
Lê Bảo Y