Tổ chức đối thoại tại nơi làm việc định kỳ 3 tháng 1 lần? Tạm đình chỉ công việc của người lao động có phải tổ chức đối thoại?
Tạm đình chỉ công việc của người lao động có phải tổ chức đối thoại?
Xin chào các anh chị tư vấn pháp lý. Em muốn hỏi trong trường hợp người sử dụng lao động tạm đình chỉ công việc của người lao động thì có bắt buộc phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc hay không? Rất mong nhận được sự phản hồi từ quý anh chị. Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời: Căn cứ Điểm c Khoản 2 Điều 63 Bộ luật lao động 2019 quy định về đối thoại tại nơi làm việc như sau:
Người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc trong trường hợp sau đây:
Khi có vụ việc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36, các điều 42, 44, 93, 104, 118 và khoản 1 Điều 128 của Bộ luật này.
Dẫn chiếu tới Khoản 1 Điều 128 bộ luật lao động 2019 thì:
Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.
Như vậy, có thể thấy khi người sử dụng lao động tạm đình chỉ công việc của người lao động bắt buộc phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc để đảm bảo quyền và nghĩa vụ đối với người lao động và sự công khai từ người sử dụng lao động.
Tổ chức đối thoại tại nơi làm việc định kỳ 3 tháng 1 lần có được không?
Cho hỏi, người sử dụng lao động quy định tổ chức đối thoại tại nơi làm việc định kỳ 3 tháng 1 lần có được không?
Trả lời: Tại Điều 63 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
- Đối thoại tại nơi làm việc là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi.
- Người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc trong trường hợp sau đây:
a) Định kỳ ít nhất 01 năm một lần;
b) Khi có yêu cầu của một hoặc các bên;
c) Khi có vụ việc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36, các điều 42, 44, 93, 104, 118 và khoản 1 Điều 128 của Bộ luật này.
- Khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động tiến hành đối thoại ngoài những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Việc đối thoại tại nơi làm việc bắt buộc phải được tổ chức trong 3 trường hợp trên. Theo đó, định kỳ phải tổ chức ít nhất 01 năm một lần. Quy định khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động tiến hành đối thoại trong những trường hợp khác.
=> Cho nên việc người sử dụng lao động quy định tổ chức đối thoại tại nơi làm việc định kỳ 3 tháng 1 lần là không trái với quy định nêu trên.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật