Vấn đề quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện trong tố tụng hành chính?
Vấn đề về quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện trong tố tụng hành chính?
Quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện trong tố tụng hành chính là gì? Em vừa mới khởi kiện hành vi cưỡng chế phá dỡ nhà trái phép của cán bộ địa chính xã lên Toà án. Em được biết người khởi kiện có quyền quyết định và tự định đoạt. Vậy xin cho em hỏi: quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện trong tố tụng hành chính là gì? Và văn bản pháp luật nào quy định về điều này? Em rất mong nhận được sự tư vấn từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn.
Trả lời: Quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện trong tố tụng hành chính đã được quy định cụ thể tại Điều 8 Luật Tố tụng Hành chính 2015.
Theo đó, quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện trong tố tụng hành chính được hiểu như sau:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền quyết định việc khởi kiện vụ án hành chính. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ án hành chính khi có đơn khởi kiện của người khởi kiện. Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, người khởi kiện có quyền thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu khởi kiện, thực hiện các quyền tố tụng khác của mình theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính 2015.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện trong tố tụng hành chính.
Người khởi kiện rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm
Trước khi mở phiên toàn phúc thẩm vụ án hành chính đương sự đã chủ động rút đơn khởi kiện của mình, Tòa án giải quyết như thế nào?
Trả lời: Việc người khởi kiện rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm được quy định tại Điều 234 Luật tố tụng hành chính 2015, cụ thể:
"Điều 234. Người khởi kiện rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm
1. Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm mà người khởi kiện rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi người bị kiện có đồng ý hay không và tùy từng trường hợp mà giải quyết như sau:
a) Người bị kiện không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của người khởi kiện;
b) Đương sự đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của người khởi kiện. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trường hợp này, đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì người khởi kiện có quyền khởi kiện lại vụ án theo thủ tục do Luật này quy định nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn."
Trên đây là quy định về việc người khởi kiện rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm trong vụ án hành chinh.
Bạn có thể tham khảo chi tiết tại Luật tố tụng hành chính 2015.
Xác định quan hệ tranh chấp khi khởi kiện
Do A có hành vi gây rối trật tự công cộng nên chủ tịch UBND xã B xử phạt 2 triệu đồng. Vì A không có tiền nộp phạt nên UBND buộc A phải lao động công ích (dọn vệ sinh) tại xã 10 ngày. Trong thời gian đó con trâu của ông C vào trụ sở UBND ăn cỏ đã bị anh A đánh gãy chân. Ông C yêu cầu UBND xã bồi thường nhưng UBND xã từ chối. Do đó, ông C khởi kiện vụ án hành chính. Việc ông C khởi kiện UBND xã như vậy có đúng không?
Trả lời: Điều 30 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như sau:
“Điều 30. Khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây:
a) Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật;
b) Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng;
c) Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.
2. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.
3. Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
4. Khiếu kiện danh sách cử tri.”
Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
“Điều 26. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1. Tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân.
2. Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.
3. Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.
4. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 của Bộ luật này.
5. Tranh chấp về thừa kế tài sản.
6. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
7. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, trừ trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại được giải quyết trong vụ án hành chính.
8. Tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước theo quy định của Luật tài nguyên nước.
9. Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.
10. Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật về báo chí.
11. Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
12. Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
13. Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
14. Các tranh chấp khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, tranh chấp phát sinh từ việc anh A đánh gãy chân con trâu của ông C mà không chịu bồi thường là tranh chấp dân sự. Do vậy, ông C khởi kiện hành chính về hành vi của A là không đúng và theo quy định của Luật Tố tụng hành chính thì Tòa án sẽ không thụ lý vụ án.
Trên đây là tư vấn về việc xác định quan hệ tranh chấp khi khởi kiện. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo thêm tại Bộ Luật tố tụng dân sự 2015.
Trân trọng!
Lê Bảo Y