Đối với tư cách là người khởi kiện có quyền ủy quyền cho ai tham gia tố tụng trong vụ án hành chính?
Đối với tư cách là người khởi kiện có quyền ủy quyền cho ai tham gia tố tụng vụ án hành chính?
Dạ em có nội dung vướng mắc nhờ anh chị hỗ trợ cho ạ. Dạ người khởi kiện có thể uỷ quyền cho bất cứ người nào tham gia tố tụng trong vụ án hành chính không ạ? Và cho em xin căn cứ pháp lý!
Trả lời: Căn cứ Khoản 7 Điều 3 Luật tố tụng hành chính 2015 quy định:
7. Đương sự bao gồm người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Căn cứ Điều 53 Luật tố tụng hành chính 2015 quy định về Người tham gia tố tụng như sau:
Người tham gia tố tụng hành chính gồm đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch.
Căn cứ Điểm đ Khoản 6 Điều 61 Luật tố tụng hành chính 2015 quy định Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự:
đ) Giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; thay mặt đương sự nhận giấy tờ, văn bản tố tụng mà Tòa án tống đạt hoặc thông báo trong trường hợp được đương sự ủy quyền và có trách nhiệm chuyển cho đương sự;
Căn cứ Khoản 3 Điều 60 Luật tố tụng hành chính 2015 quy định:
3. Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, được đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền bằng văn bản.
=> Như vậy, người khởi kiện được ủy quyền cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và người đại diện theo ủy quyền. Ngoài ra không có quy định nào khác cho phép người khởi kiện ủy quyền cho người tham gia tố tụng khác như người làm chúng hay người giám định hay phiên dịch...
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án hành chính phải xuất trình giấy tờ gì cho Tòa án?
Khi làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đối với công dân Việt Nam có đủ điều kiện quy định tại điểm c khoản 2 Điều 61 của Luật Tố tụng hành chính thì Tòa án phải yêu cầu những người này xuất trình những giấy tờ gì?
Trả lời: Tại Mục 6 Phần II Công văn 212/TANDTC-PC 2019 có nội dung quy định:
Đối với trường hợp công dân Việt Nam có đủ điều kiện quy định tại điểm c khoản 2 Điều 61 của Luật Tố tụng hành chính thì Tòa án yêu cầu người đề nghị xuất trình giấy tờ, tài liệu theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 61 của Luật Tố tụng hành chính.
Theo đó, Điểm c Khoản 4 Điều 61 Luật Tố tụng hành chính 2015 có nội dung quy định như sau:
c) Công dân Việt Nam có đủ điều kiện quy định tại điểm c khoản 2 Điều này xuất trình giấy yêu cầu của đương sự và giấy tờ tùy thân.
=> Như vậy, cá nhân đăng ký là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án hành chính cần xuất trình: giấy yêu cầu của đương sự và giấy tờ tùy thân.
Thẩm quyền phúc thẩm vụ án hành chính được quy định ra sao?
Tôi xin hỏi xử phúc thẩm vụ án hành chính do cấp sơ thẩm hay cấp cao hơn ạ? Mong sớm nhận phản hồi thông tin từ các bạn.
Trả lời: Tại Điều 203 Luật tố tụng hành chính 2015, có quy định:
Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.
Căn cứ Điều 29 và Điều 37 Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 quy định như sau:
- Tòa án nhân dân cấp cao phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
- Tòa án nhân dân cấp tỉnh Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.
=> Như vậy, căn cứ quy định trên thì vụ án đã xét xử sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị, thì tòa án trên một cấp sẽ là tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thấm.
Trân trọng!
Lê Bảo Y