UBND huyện thì có thẩm quyền thu hồi đất thuộc thẩm quyền thu hồi của UBND tỉnh hay không?
UBND huyện thì có thẩm quyền thu hồi đất thuộc thẩm quyền thu hồi của UBND tỉnh không?
Chào anh chị, em hiện tại đang là sinh viên năm 2 ngành Luật, em đang tìm hiểu vấn đề về lĩnh vực đất đai, em có chút thắc mắc mong được anh chị giải đáp giúp em. Anh chị cho em hỏi UBND cấp huyện có thẩm quyền thu hôi hồi đất thuộc thẩm quyền thu hồi của UBND cấp tỉnh không? Mong anh chị giải đáp giúp em, cảm ơn anh chị rất nhiều.
Trả lời: Tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 66 Luật đất đai 2013 quy định về thẩm quyền thu hồi đất như sau:
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
- Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
- Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
- Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư;
- Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Tại Khoản 3 Điều 66 Luật đất đai 2013 quy định:
"3. Trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất."
Như vậy, trong trường hợp khu vực thu hồi đất có cả đối tượng quy định thuộc thẩm quyền thu hồi của UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện thi UBND cấp tỉnh sẽ quyết định thu hồi hoặc ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất. Trong trường hợp này thì UBND cấp huyện cũng có thẩm quyền thu hồi đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.
Nhà nước quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất trong trường hợp nào?
Pháp luật quy định Nhà nước có thể quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất của người sử dụng đất trong một số trường hợp nhất định. Vậy Ban biên tập cho tôi hỏi, theo quy định hiện nay thì Nhà nước quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất trong trường hợp nào?
Trả lời: Theo quy định của pháp luật thì đất đai là một vùng đất có ranh giới, vị trí, diện tích cụ thể và có các thuộc tính tương đối ổn định hoặc thay đổi nhưng có tính chu kỳ, có thể dự đoán được, có ảnh hưởng tới việc sử dụng đất trong hiện tại và tương lai của các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội như: thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình, địa mạo, địa chất, thuỷ văn, thực vật, động vật cư trú và hoạt động sản xuất của con người.
Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất thông qua các hình thức giao đất cho người sử dụng đất thông qua việc:
- Quyết định giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất: Thông qua việc Nhà nước ban hành quyết định giao đất để trao quyền sử dụng đất cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất; hoặc
- Quyết định cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê: Thông qua việc Nhà nước quyết định trao quyền sử dụng đất cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất thông qua hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất; hoặc
- Công nhận quyền sử dụng đất: Thông qua việc Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất ổn định mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với thửa đất xác định.
Trong một số trường hợp nhất định thì Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai; hoặc trưng dụng đất của người sử dụng đất thông qua quyết định trưng dụng đất.
Theo đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Luật Đất đai 2013 thì:
Nhà nước quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
- Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
- Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;
- Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
Nhà nước quyết định trưng dụng đất trong các trường hợp sau đây:
Trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.
Việc thu hồi đất, trung dụng đất của người sử dụng đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Căn cứ thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người?
Xin cho tôi hỏi: Việc thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người phải dựa trên các căn cứ nào theo quy định của pháp luật? Rất mong nhận được sự phản hồi trong thời gian sớm nhất.
Trả lời: Theo quy định của pháp luật nước ta hiện nay thì Nhà nước có thể thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
- Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh;
- Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
- Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;
- Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
Trong đó, việc thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người được thực hiệ trong các trường hợp sau đây:
- Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; người sử dụng đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất;
- Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế;
- Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất;
- Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn;
- Đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người;
- Đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 65 Luật Đất đai 2013 thì việc thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người phải dựa trên các căn cứ sau đây:
- Văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết đã có hiệu lực pháp luật đối với trường hợp thu hồi đất của tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; người sử dụng đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất;
- Giấy chứng tử hoặc quyết định tuyên bố một người là đã chết theo quy định của pháp luật và văn bản xác nhận không có người thừa kế của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người để thừa kế đã chết đó đối với trường hợp thu hồi đất do cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế;
- Văn bản trả lại đất của người sử dụng đất đối với trường hợp thu hồi đất do người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất;
- Quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất đối với trường hợp thu hồi đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn;
- Văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định mức độ ô nhiễm môi trường, sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người đối với trường hợp thu hồi đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người.
Trân trọng!
Lê Bảo Y