Đóng BHXH tự nguyện có được hưởng chế độ ốm đau hay không? Nghỉ ốm đau thì sẽ không được tiếp tục nghỉ dưỡng sức?
1. Đóng BHXH tự nguyện có được hưởng chế độ ốm đau hay không?
Tôi có đóng BHXH tự nguyện cho con tôi được gần 4 năm. Nay cháu bị bệnh thì bên bhxh chi trả chế độ ốm đau cho cháu không?
Trả lời:
Theo Điều 4 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về các chế độ bảo hiểm xã hội cụ thể:
- Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:
+ Ốm đau;
+ Thai sản;
+ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
+ Hưu trí;
+ Tử tuất.
- Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:
+ Hưu trí;
+ Tử tuất.
- Bảo hiểm hưu trí bổ sung do Chính phủ quy định.
Căn cứ quy định trên, chỉ có bảo hiểm xã hội bắt buộc mới chi trả chế độ ốm đau. Do đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ không được hưởng chế độ ốm đau này.
2. Nghỉ ốm đau thì sẽ không được tiếp tục nghỉ dưỡng sức?
Tôi được hưởng chế độ ốm đau được 40 ngày vì thuộc đối tượng làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nay mới đi làm được 2 ngày thì lại bệnh trở lại thì có được xin nghỉ dưỡng sức không?
Trả lời:
Theo Khoản 1 Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau như sau:
Người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định tại Điều 26 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày trong một năm.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
Như vậy, nếu NLĐ nghỉ chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm mà trong khoản 30 ngày kể từ ngày trở lại làm việc mà chưa hồi phục thì có thể nghỉ dưỡng sức.
Đối chiếu trường hợp của bạn đã nghỉ đủ 40 ngày và có quay trở lại làm việc được 2 ngày nhưng lại bệnh trở lại thì bạn vẫn được nghỉ dưỡng sức. Lưu ý: Bạn phải có giấy xác nhận của cơ sở y tế.
3. Làm thế nào để được nghỉ chế độ khi hết ngày nghỉ ốm đau theo giấy bệnh viện?
Em hết ngày nghỉ được hưởng chế độ BHXH nhưng bác sĩ yêu cầu cần nghỉ thêm để vết mổ được lành hẳn, hiện tại chốt công những ngày nghỉ của em là không phép thì nên xử lý như thế nào ạ? Xin cảm ơn.
Trả lời:
Phương án 1. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau (Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
- Trường hợp bạn đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định tại Điều 26 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày trong một năm.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
- Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định như sau:
+ Tối đa 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày;
+ Tối đa 07 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật;
+ Bằng 05 ngày đối với các trường hợp khác.
- Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Phương án 2. Tiếp tục nghỉ ốm đau theo Khoản 1 Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Điều kiện: Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.
Do đó, bạn cần liên hệ với bác sỹ bệnh viện để nhờ bác sỹ xác nhận thêm số ngày nghỉ ốm đau cho bạn.
Phương án 3. Nghỉ phép năm
Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
- 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
- 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Bạn có thể đối chiếu để lựa chọn phương án phù hợp với điều kiện của mình.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật