Có phải đóng BHXH cho người lao động tạm hoãn hợp đồng? Tạm hoãn hợp đồng lao động vẫn trả lương cho người lao động?
Tạm hoãn hợp đồng lao động vẫn trả lương cho người lao động được không?
Người lao động bên em gặp khó khăn đột xuất không thể tiếp tục công việc nên muốn xin tạm hoãn hợp đồng 4 tháng. Thời gian đó họ muốn bên em vẫn trả lương cho họ, sau khi đi làm lại, họ cấn trừ vào phần lương làm thêm giờ của họ đến khi hết 4 tháng lương tạm hoãn. Bên em có được trả lương cho họ theo kiểu thỏa thuận như vầy không ạ?
Tạm hoãn hợp đồng lao động vẫn trả lương cho người lao động quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 thì hai bên có quyền thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, cụ thể
Về tiền lương trong thời gian tạm hoãn hợp đồng được áp dụng theo quy định tại Khoản 2 Điều này. Cụ thể:
Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Theo quy định này, về nguyên tắc, trong thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động, người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động. Tuy nhiên, nếu hai bên có thỏa thuận về việc trả lương trong thời gian này thì pháp luật vẫn ghi nhận và cho phép thực hiện.
Có phải đóng BHXH cho người lao động tạm hoãn hợp đồng?
Em mang thai ở tháng thứ 4 thì thai yếu nên bác sĩ chỉ định nghỉ dưỡng thai. Em muốn xin công ty cho tạm hoãn hợp đồng lao động một vài tháng. Không biết trong thời gian em nghỉ công ty có đóng bảo hiểm cho em không?
Trả lời: Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Lao động 2019 thì:
Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Khoản 2 Điều 30 Bộ luật này xác định:
Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Theo các quy định này, trường hợp có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi, chị có quyền thỏa thuận với doanh nghiệp về việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trong thời hạn nhất định.
Về nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, Khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định:
Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.
Như vậy, trong trường hợp chị tạm hoãn hợp đồng lao động, không được hưởng lương từ 14 ngày trở lên thì trong thời gian này, công ty và chị không đóng BHXH.
Hết thời hạn tạm hoãn thực hiện HĐLĐ người lao động có phải đi làm ngay không?
Mình có thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ với công ty và được công ty đồng ý cho tạm hoãn đến hết 6/2021. Hai bên không thỏa thuận gì thêm nữa. Vậy có phải là 1/7 tôi phải vào công ty làm lại không? Nhờ tư vấn.
Theo quy định Điểm h Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 có quy định hai bên người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Đồng thời Điều 31 cũng quy định về nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động:
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Theo như thông tin bạn cung cấp thì hai bên không có thỏa thuận gì thêm về thời gian trở lại làm việc khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng, như vậy áp dụng quy định này thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, bạn phải có mặt tại nơi làm việc (đi làm lại). Không nhất thiết là bạn phải đi làm ngay sau khi hết thời hạn tạm hoãn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật