Cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công có chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức như thế nào?
Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công
Căn cứ vào Điều 133 Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công như sau:
- Cơ sở nuôi dưỡng người có công có chức năng, nhiệm vụ nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên.
- Cơ sở điều dưỡng người có công có chức năng, nhiệm vụ điều dưỡng, phục hồi sức khỏe đối với người có công và thân nhân.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công thuộc thẩm quyền quản lý.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công thuộc thẩm quyền quản lý.
Chính sách, chế độ đối với cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công
Tại Điều 134 Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định về chính sách, chế độ đối với cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công như sau:
- Về số người làm việc tại cơ sở do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ trình Chính phủ quy định.
- Về cơ sở hạ tầng: Ngân sách nhà nước bảo đảm xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị, phương tiện, công cụ, dụng cụ của các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công.
+ Các dự án đầu tư xây dựng cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
+ Các dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công đề nghị hỗ trợ từ kinh phí chi thường xuyên nguồn ngân sách trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng phải gửi hồ sơ về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước thời điểm phân bổ dự toán.
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí đối với các dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì: Đối với các dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, đón tiếp người có công đề nghị hỗ trợ từ kinh phí chi thường xuyên nguồn ngân sách trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng từ 500 triệu đồng trở lên: Quyết định phê duyệt dự án hoặc phê duyệt Báo cáo kinh tế kĩ thuật của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đối với các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công do địa phương quản lý hoặc của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân cấp ủy quyền phê duyệt đối với các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kèm theo các tài liệu làm căn cứ phê duyệt theo quy định hiện hành. Đối với các công trình có tổng mức đầu tư dưới 500 triệu đồng: Quyết định phê duyệt dự toán chi phí sửa chữa, bảo trì của Thủ trưởng đơn vị quản lý cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công. Trường hợp công trình bị hư hỏng do thiên tai, bão lũ, hỏa hoạn hoặc các lý do bất khả kháng thì phải có Quyết định phê duyệt sửa chữa công trình của cấp có thẩm quyền theo quy định trên, trong đó có thuyết minh đầy đủ nội dung cần sửa chữa, khắc phục.
Đối với các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công do địa phương quản lý: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm lập và tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì vào dự toán kinh phí thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng của địa phương; tổng hợp và gửi hồ sơ tài liệu được ban hành đúng thẩm quyền về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đối với các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phê duyệt hoặc phân cấp phê duyệt theo quy định nêu trên và tổng hợp dự toán chung để đảm bảo cơ sở vật chất nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.
+ Đối với kinh phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện, công cụ, dụng cụ của các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công từ kinh phí chi thường xuyên của ngân sách trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng phải được đề xuất trong dự toán hằng năm gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đối với các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công do địa phương quản lý: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm lập và tổng hợp dự toán kinh phí mua sắm vào dự toán kinh phí thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng của địa phương gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đối với các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng chung trong dự toán hằng năm để đảm bảo cơ sở vật chất nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.
Trân trọng!