Nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất cần đáp ứng những yêu cầu về bảo vệ môi trường nào?
- 1. Điều kiện về bảo vệ môi trường đối với nhập khẩu phế liệu
- 2. Điều kiện về kho hoặc bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu
- 3. Yêu cầu để phế liệu nhập khẩu phép dỡ xuống cảng
- 4. Đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu
- 5. Hồ sơ phế liệu nhập khẩu
- 6. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất
Theo Điều 45 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về yêu cầu về bảo vệ môi trường và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, trong đó:
1. Điều kiện về bảo vệ môi trường đối với nhập khẩu phế liệu
Tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất cho dự án đầu tư, cơ sở sản xuất của mình và phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2 Điều 71 Luật Bảo vệ môi trường. Một số yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường cụ thể được quy định như sau:
- Có cơ sở sản xuất với công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định.
- Có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm phế liệu nhập khẩu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Trường hợp không có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm thì phải chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để xử lý.
2. Điều kiện về kho hoặc bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu
- Kho lưu giữ phế liệu nhập khẩu:
Có hệ thống thu gom nước mưa riêng; có hệ thống thu gom và xử lý các loại nước thải phát sinh trong quá trình lưu giữ phế liệu bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải theo quy định;
Có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt; mặt sàn trong khu vực lưu giữ phế liệu được thiết kế để tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào; sàn bảo đảm kín, chống thấm, chịu được tải trọng của lượng phế liệu cao nhất theo tính toán;
Có tường và vách ngăn bằng vật liệu không cháy; có mái che nắng, mưa cho toàn bộ khu vực lưu giữ phế liệu bằng vật liệu không cháy; có biện pháp hoặc thiết kế để hạn chế gió trực tiếp vào bên trong;
- Bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu:
Có hệ thống thu gom và xử lý nước mưa chảy tràn qua bãi phế liệu nhập khẩu và các loại nước thải phát sinh trong quá trình lưu giữ phế liệu bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải theo quy định;
Có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt; sàn bảo đảm kín, chống thấm, chịu được tải trọng của lượng phế liệu cao nhất theo tính toán;
Có biện pháp giảm thiểu bụi phát sinh từ bãi lưu giữ phế liệu.
Bên cạnh đó, tại Điều này có quy định về có giấy phép môi trường, trong đó có nội dung sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất hoặc giấy phép môi trường thành phần là giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường, trừ trường hợp quy định tại khoản 18 Điều 168 Nghị định này và trường hợp nhập khẩu phế liệu phát sinh từ hoạt động của khu phi thuế quan, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất. Ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 46 Nghị định này.
3. Yêu cầu để phế liệu nhập khẩu phép dỡ xuống cảng
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu được lựa chọn làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan quản lý cửa khẩu nhập hoặc cơ quan hải quan nơi có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu; được lựa chọn địa điểm kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu tại cửa khẩu nhập hoặc tại cơ quan hải quan nơi có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu hoặc tại cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu. Phế liệu nhập khẩu chỉ được phép dỡ xuống cảng khi đáp ứng các yêu cầu sau:
- Tổ chức, cá nhân nhận hàng trên Bản lược khai hàng hóa (E-Manifest) có giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần quy định tại khoản 4 Điều này còn hiệu lực và còn khối lượng phế liệu nhập khẩu;
- Tổ chức, cá nhân nhận hàng trên E-Manifest có Văn bản xác nhận đã ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu đối với phế liệu ghi trên E-Manifest theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 46 Nghị định này.
Cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra các thông tin quy định tại điểm a và b khoản này trước khi cho phép dỡ phế liệu xuống cảng.
4. Đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu
- Tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất bao gồm: Tổ chức giám định được chỉ định theo quy định của pháp luật; tổ chức giám định nước ngoài được thừa nhận theo quy định của pháp luật;
-Tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường được cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam sau khi đã đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, quy định của Chính phủ về điều kiện kinh doanh đánh giá sự phù hợp và các quy định của pháp luật về kiểm tra chuyên ngành.
5. Hồ sơ phế liệu nhập khẩu
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất khai thông tin, nộp hồ sơ chứng từ điện tử và làm thủ tục nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan. Ngoài những hồ sơ theo quy định của pháp luật về hải quan, hồ sơ phế liệu nhập khẩu phải có các tài liệu sau đây:
- Chứng chỉ chất lượng của nước xuất khẩu (nếu có); giấy chứng nhận xuất xứ (nếu có); ảnh hoặc bản mô tả phế liệu;
- Văn bản xác nhận đã ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu (bản quét từ bản chính có xác thực chữ ký điện tử của tổ chức, cá nhân nhập khẩu);
- Chứng thư giám định chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu;
- Văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo mẫu quy định tại Phụ lục XXI ban hành kèm theo Nghị định này.
6. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất
- Nhập khẩu đúng chủng loại, khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu quy định trong giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần quy định tại khoản 4 Điều này;
- Sử dụng toàn bộ phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất để sản xuất ra sản phẩm, hàng hóa theo quy định tại Nghị định này;
- Phân định, phân loại chất thải phát sinh từ quá trình sử dụng phế liệu nhập khẩu để có phương án xử lý chất thải phù hợp;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; phối hợp với hiệp hội ngành nghề thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo quy định; thanh toán toàn bộ các khoản chi phí xử lý phế liệu nhập khẩu vi phạm.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật đánh giá sự phù hợp và chứng nhận, thừa nhận tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường, giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất quy định tại Điều này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật