Không bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi Tổ chức tảo hôn lần đầu?
Sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi Tổ chức tảo hôn lần đầu?
Dạ, cho em hỏi: Trường hợp cha, mẹ đứng ra tổ chức lấy vợ cho con khi chưa đủ tuổi thì lần đầu có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Trả lời: Căn cứ Điều 183 Bộ luật hình sự 2015 quy định về Tội tổ chức tảo hôn như sau:
Người nào có một trong các hành vi sau đây, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
- Tổ chức việc kết hôn cho những người chưa đến tuổi kết hôn;
- Cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Toà án buộc chấm dứt quan hệ đó.
Như vậy, về nguyên tắc trên và đối chiếu trường hợp của bạn đề cập thì chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức tảo hôn khi người vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Giết người trong tình trạng mộng du có truy cứu trách nhiệm hình sự?
Em muốn đặt ra một giả thiết: Cá nhân giết người trong tình trạng mộng du có truy cứu trách nhiệm hình sự không? Người này đã tới tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Trả lời: Căn cứ Điều 21 Bộ luật hình sự 2015 quy định như sau:
Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, đối với trường hợp bạn đề cập người đó mộng du và thực hiện hành vi giết người cần phải căn cứ nhiều yếu tố.
Đặc biệt qua quá trình điều tra của cơ quan có thẩm quyền như có giấy xác nhận của cơ quan pháp y, có ai chứng kiến về các hành vi khi bị mộng du hoặc có bằng chứng chứng minh không có bất cứ mâu thuẫn với nạn nhân, có tài liệu ghi nhận các trường hợp tương tự người đó thực sự không thể biết hoặc phải biết về hành vi của mình do mộng du sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mua bán trái phép con dấu của cơ quan nhà nước thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Nghe nói người nào mua bán trái phép con dấu của cơ quan nhà nước thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự có đúng không?
Trả lời: Điều 342 Bộ luật Hình sự 2015, Điểm p Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về Tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức như sau:
1. Người nào chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng trở lên;
c) Để thực hiện hành vi trái pháp luật;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đối với tội này chỉ cần có hành vi mua bán trái phép con dấu của cơ quan, tổ chức thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Người phạm tội này có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm.
Trân trọng!
Lê Bảo Y