Quản lý, thanh toán, thu hồi và quyết toán vốn ứng trước dự toán ngân sách nhà nước năm sau được quy định như thế nào?
Điều 12 Nghị định 99/2021/NĐ-CP có quy định về quản lý, thanh toán, thu hồi và quyết toán vốn ứng trước dự toán ngân sách nhà nước năm sau cụ thể:
1. Việc ứng trước vốn từ dự toán ngân sách nhà nước năm sau được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và quy định của Chính phủ về việc ứng trước dự toán ngân sách nhà nước năm sau.
2. Cơ quan chủ quản phân bổ vốn ứng trước dự toán ngân sách nhà nước năm sau đúng danh mục và mức vốn đã được cấp có thẩm quyền giao. Việc kiểm tra phân bổ và tạm ứng, thanh toán vốn ứng trước từ dự toán ngân sách năm sau được thực hiện như đối với vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch trong năm ngân sách.
3. Các bộ, cơ quan trung ương, cơ quan tài chính các cấp, cơ quan kiểm soát, thanh toán (Kho bạc Nhà nước) có trách nhiệm nhập và phê duyệt vốn ứng trước dự toán ngân sách nhà nước năm sau trên Tabmis theo phân cấp và quy định hiện hành.
4. Thời hạn sử dụng vốn ứng trước dự toán ngân sách nhà nước năm sau: thực hiện như quy định về thời hạn thanh toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước trong năm ngân sách được cấp có thẩm quyền cho phép ứng trước dự toán năm sau. Trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định về thời hạn sử dụng đối với vốn ứng trước thuộc nguồn ngân sách trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định về thời hạn sử dụng đối với vốn ứng trước thuộc nguồn ngân sách địa phương của cấp mình quản lý nhưng không quá 31 tháng 12 năm sau.
5. Số vốn ứng trước chưa sử dụng, khi hết thời hạn thực hiện và giải ngân được xử lý như vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước trong năm ngân sách.
6. Thu hồi vốn ứng trước: các cơ quan chủ quản có trách nhiệm bố trí vốn cho dự án trong dự toán ngân sách nhà nước năm sau để hoàn trả vốn ứng trước. Cơ quan chủ quản, cơ quan kiểm soát, thanh toán thực hiện thủ tục thu hồi vốn ứng trước từ số vốn kế hoạch được cấp có thẩm quyền bố trí để thu hồi trong năm ngân sách.
a) Đối với vốn ứng trước thuộc nguồn ngân sách trung ương: trường hợp bộ, cơ quan trung ương không bố trí hoặc bố trí không đủ số vốn kế hoạch tối thiểu để thu hồi vốn ứng trước theo quyết định giao kế hoạch hàng năm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính có văn bản thông báo cho cơ quan đó biết để bố trí đủ vốn kế hoạch thu hồi số vốn đã ứng trước theo quy định. Trường hợp sau 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Tài chính mà các bộ, cơ quan trung ương không thực hiện bố trí đủ số vốn kế hoạch để thu hồi theo quyết định giao kế hoạch hàng năm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời có văn bản yêu cầu cơ quan kiểm soát, thanh toán tạm dừng thanh toán đối với dự án chưa đảm bảo việc thu hồi vốn ứng trước, chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
b) Đối với vốn ứng trước từ ngân sách địa phương hoặc bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới: trường hợp đơn vị dự toán cấp I ở địa phương không bố trí hoặc bố trí không đủ số vốn kế hoạch để thu hồi theo quy định, Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch có văn bản thông báo cho đơn vị đó biết để bố trí thu hồi số vốn đã ứng trước theo quy định. Trường hợp sau 10 ngày làm việc kể từ ngày các đơn vị nhận được văn bản của cơ quan tài chính nhưng các đơn vị không thực hiện bố trí thu hồi kế hoạch vốn theo quyết định giao thì Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp, đồng thời có văn bản đề nghị cơ quan kiểm soát, thanh toán tạm dừng thanh toán đối với dự án chưa đảm bảo việc thu hồi vốn ứng trước, chờ ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cùng cấp.
7. Quyết toán vốn ứng trước: vốn ứng trước được thu hồi trong kế hoạch năm nào được quyết toán vào năm ngân sách đó và phù hợp với kế hoạch thu hồi vốn ứng trước được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trân trọng!
Nguyễn Đăng Huy