Như thế nào là hành vi ghi âm cuộc gọi của người khác trái pháp luật?
Khi nào ghi âm cuộc gọi của người khác mới bị xử lý hình sự?
Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về yội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;
b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;
c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;
d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;
đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.
Theo đó hành vi nghe, ghi âm cuộc đàm thoại (cuộc gọi) trái pháp luật đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự về tội này.
Thế nào là hành vi ghi âm cuộc gọi của người khác trái pháp luật?
Điều 12 Luật Viễn thông 2009 có quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông:
1. Lợi dụng hoạt động viễn thông nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; tuyên truyền chiến tranh xâm lược; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
2. Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những thông tin bí mật khác do pháp luật quy định.
3. Thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông, mật khẩu, khóa mật mã và thông tin riêng của tổ chức, cá nhân khác.
4. Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
5. Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật.
6. Cản trở trái pháp luật, gây rối, phá hoại việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, việc cung cấp và sử dụng hợp pháp các dịch vụ viễn thông.
Theo đó, hành vi thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông là hành vi bị cấm. Cho nên hành vi ghi âm trộm cuộc gọi của người khác (không được sự đồng ý của người đó) thì bị coi là trái pháp luật.
Ghi âm cuộc gọi của người khác trái pháp luật bị xử phạt hành chính thế nào?
Điểm q Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin, trong đó:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
...
Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;
...
Như vậy, hành vi ghi âm cuộc gọi của người khác trái pháp luật thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đồng thời tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Trân trọng!
Nguyễn Đăng Huy