Các trường hợp bị thu hồi đất do vi phạm về đất đai
Các trường hợp bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai
Chào anh chị, tôi là công chức mới được bổ nhiệm về làm địa chính. Anh chị cho tôi hỏi hiện nay theo quy định của pháp luật về đất đai thì có nhưng trường hợp nào đất đai sẽ bị thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai? Vấn đề này rất liên quan đến công việc chuyên môn của tôi, mong được anh chị phản hồi sớm.
Trả lời: Căn cứ Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định các trường hợp người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai sẽ bị thu hồi đất, cụ thể:
1. Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;
2. Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất: Làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.
3. Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;
Các trường hợp được coi là giao đất không đúng thẩm quyền gồm:
+ Người đứng đầu điểm dân cư giao đất hoặc UBND cấp xã giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ;
+ Tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng nhưng đã tự phân phối, bố trí cho cán bộ, công nhân viên, xã viên để sử dụng làm nhà ở và các mục đích khác.
Lưu ý: Đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 01/7/2014 có thể được cấp Sổ đỏ (không bị thu hồi).
4. Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật Đất đai 2013 mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho. Theo Điều 191 Luật Đất đai năm 2013, các trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất gồm:
- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.
- Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
- Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.
5. Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm;
6. Đất không được chuyển quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm;
7. Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành;
Tại khoản 13 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định: Người sử dụng đất không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật mà đã bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng không chấp hành thì sẽ bị thu hồi đất.
8. Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục;
9. Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư:
- Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng;
- Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này;
- Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
* Trường hợp bất khả kháng
Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 43/2014/NĐ-CP trường hợp bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ sử dụng đất của dự án đầu tư đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất gồm:
+ Do ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, thảm họa môi trường;
+ Do ảnh hưởng trực tiếp của hỏa hoạn, dịch bệnh;
+ Do ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh;
+ Các trường hợp bất khả kháng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Không hài lòng với giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất có được khiếu nại?
Anh ở đường Tôn Thắng, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Nhà nuớc thu hồi đất làm đường. Giá của nhà nuớc là 1,5 triệu, giá thực tế thị trường là 8-10 triệu, giá khảo sát và thỏa thuận bồi thuờng là 3,6 triệu. Anh thấy giá này không phù hợp và muốn khiếu nại được không?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 74 Luật đất đai 2013 quy định nguyên tắc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất:
- Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường.
- Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
- Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định trên thì khi nhà nước thu hồi đất để làm đường thì tiền bồi thường do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm có quyết định thu hồi đất.
Theo thông tin anh có cung cấp thì giá nhà nước theo bảng giá đất theo quyết định của UBND tỉnh An Giang là 1,5 triệu, giá thỏa thuận bồi thường 3,6 triệu. Trong trường hợp này anh muốn thỏa thuận thêm giá đất bồi thường vẫn được nhưng vẫn phải có sự đồng ý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang.
Có được bồi thường cây trồng trên đất khi thu hồi đất không?
Nhà tôi có trồng một vườn thanh long khoảng 200 trụ, và diện tích đất này mới đây đã thuộc kế hoạch sử dụng đất hằng năm của huyện Hàm Thuận Nam, nên sắp tới sẽ bị thu hồi để thực hiện dự án. Cho tôi hỏi khi thu hồi ngoài được bồi thường đất thì nhà tôi có được bồi thường 200 trụ thanh long nay không? Xin cảm ơn!
Trả lời: Căn cứ Khoản 1 Điều 90 Luật đất đai 2013 quy định khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với cây trồng thì việc bồi thường thực hiện theo quy định sau đây:
- Đối với cây hàng năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch. Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 03 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất;
- Đối với cây lâu năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất mà không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất;
- Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại;
- Đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây; tiền bồi thường được phân chia cho người quản lý, chăm sóc, bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Như vậy, căn cứ quy định trên thì khi nhà nước thu hồi đất của bạn mà có gây thiệt hại đến 200 trụ thanh long như bạn thông tin thì phải bồi thường theo quy định.
Trân trọng!
Lê Bảo Y