Được đơn phương chấm dứt HĐLĐ với người vừa hết thời hạn nghỉ thai sản?

Vui lòng cung cấp cho tôi quy định: Người giúp việc gia đình muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ phải báo trước mấy ngày? Có được đơn phương chấm dứt HĐLĐ với người vừa hết thời hạn nghỉ thai sản? Có thể chấm dứt HĐLĐ với NLĐ mà không cần báo trước do dịch Covid-19 không? Mong sớm nhận hồi đáp.

Người giúp việc gia đình muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ phải báo trước mấy ngày?

Tôi vừa ký hợp đồng lao động làm giúp việc cho một gia đình. Trong hợp đồng, có điều khoản thỏa thuận là muốn nghỉ việc phải báo trước 30 ngày. Không biết thỏa thuận này có đúng quy định pháp luật lao động không ạ? Nhờ tư vấn.

Trả lời:

Muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ phải báo trước theo quy định tại Khoản 2 Điều 162 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:

Thời hạn của hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày.

Theo như quy định này thì các bên trong hợp đồng lao động giúp việc gia đình có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày. Điều này đồng nghĩa với việc khi người giúp việc gia đình muốn nghỉ việc phải báo trước cho bên còn lại trước ít nhất 15 ngày. Tuy nhiên, đây là quy định của pháp luật. Các bên có thể thỏa thuận khác nhưng phải đảm báo không trái quy định trên là phải báo trước ít nhất 15 ngày.

Cho nên trường hợp của bạn, các bên thỏa thuận bạn muốn nghỉ việc thì phải báo trước 30 ngày là phù hợp với quy định.

Có được đơn phương chấm dứt HĐLĐ với người vừa hết thời hạn nghỉ thai sản?

Công ty em có ký HĐLĐ với 1 người lao động nữ với thời hạn từ ngày 01/12/2020 đến 02/12/2021. Hiện nay người này đang nghỉ thai sản và đến ngày 5/11/2021 sẽ hết thời hạn thai sản. Công ty em muốn đến ngày 5/11/2021 là đơn phương chấm dứt hợp đồng với người này luôn thì có được không?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điều 37 Bộ luật lao động 2019 như sau:

Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.

2. Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.

3. Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Và tại Khoản 3 Điều 137 Bộ luật lao động 2019 quy định về bảo vệ thai sản, trong đó:

Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.”

Như vậy, theo quy định trên thì người sử dụng lao động sẽ không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Quay lại trường hợp của bạn: Công ty bạn có ký HĐLĐ với lao động nữ từ ngày 01/12/2020 đến 02/12/2021. Do đó, phía công ty bạn sẽ không được đơn phương chấm dút HĐLĐ với người lao động đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi vào ngày 5/11/2021.

Có thể chấm dứt HĐLĐ với NLĐ mà không cần báo trước do dịch Covid-19 không?

Cho hỏi theo quy định pháp luật lao động thì trường hợp chấm dứt HĐLĐ với NLĐ do dịch bệnh nguy hiểm như Covid-19 thì có cần phải thông báo trước cho người lao động không?

Trả lời:

Điểm c Khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 có quy định một trong những trường hợp người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, theo đó:

Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;

Như vậy, khi có đủ căn cứ được quy định nêu trên thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Đồng thời, Khoản 2 Điều này cũng có quy định: Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và g khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

...

Trường hợp đủ điều kiện để thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động thì người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động trong thời gian quy định nêu trên.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào