Các quy định về Nghiên cứu hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
Thụ lý và phân công Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
Căn cứ Khoản 1 Điều 11 Quy định về quy trình kiểm sát việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và kiểm sát việc tha tù trước thời hạn có điều kiện ban hành kèm theo Quyết định 05/QĐ-VKSTC năm 2022 việc thụ lý và phân công Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù như sau:
Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát việc gửi hồ sơ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của cơ quan đề nghị theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 12/8/2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quy định quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tạm đình chỉ và giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
Ngay sau khi nhận được hồ sơ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, Viện kiểm sát vào sổ thụ lý (sổ tiếp nhận) và phân công một hoặc một số Kiểm sát viên, Kiểm tra viên do một Kiểm sát viên chủ trì thực hiện kiểm sát.
Các vấn đề cần nghiên cứu và làm rõ liên quan đến hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
Căn cứ Khoản 2 Điều này các vấn đề cần nghiên cứu và làm rõ liên quan đến hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được quy định như sau:
Kiểm sát viên, Kiểm tra viên được phân công kiểm sát phải nghiên cứu hồ sơ, tài liệu có liên quan và làm rõ các vấn đề:
a) Khi xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên chủ trì báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo Viện kiểm sát yêu cầu cơ quan đã đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù bổ sung tài liệu hoặc làm rõ thêm đối với trường hợp cần bổ sung tài liệu hoặc tài liệu chưa rõ. Việc gửi hồ sơ tài liệu phải đúng thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 12/8/2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quy định quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tạm đình chỉ và giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
b) Xác định rõ phạm nhân nào đã được trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù nhưng cơ quan có thẩm quyền thẩm định không duyệt. Lý do không duyệt có đúng quy định của pháp luật hay không.
Trường hợp phát hiện có phạm nhân đủ điều kiện, Viện kiểm sát đã yêu cầu nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ hoặc cơ quan có thẩm quyền đã lập hồ sơ đề nghị nhưng cơ quan có thẩm quyền thẩm định không duyệt với lý do không đúng quy định của pháp luật thì Viện kiểm sát tiếp tục yêu cầu cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ đưa vào danh sách đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho họ và báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 8), Viện kiểm sát quân sự trung ương (Phòng 4).
c) Xác định mức đề nghị giảm thời hạn thời hạn chấp hành án phạt tù của các phạm nhân có bảo đảm tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa, khách quan, công bằng và có tác dụng khuyến khích phạm nhân thi đua cải tạo tiến bộ.
d) Kiểm sát về khoảng cách giữa các lần xét giảm đối với từng phạm nhân phải đảm bảo mỗi năm chỉ được xét giảm một lần. Trường hợp đặc biệt được khoan hồng thêm như đã lập công, đã quá già yếu hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì có thể được xét giảm tiếp nhưng không quá 02 lần trong 01 năm theo quy định tại Điều 38 Luật Thi hành án hình sự.
Báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
Căn cứ Khoản 3 Điều này việc báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù như sau:
Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải báo cáo kết quả kiểm sát với lãnh đạo Viện kiểm sát, đề xuất xây dựng văn bản quan điểm của Viện kiểm sát về đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù để lãnh đạo Viện kiểm sát duyệt thể hiện rõ các nội dung cơ bản sau đây:
a) Đề nghị Tòa án cùng cấp chấp nhận toàn bộ mức đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với bao nhiêu phạm nhân (có danh sách kèm theo).
b) Đề nghị Tòa án cùng cấp chấp nhận một phần mức đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho bao nhiêu phạm nhân; mức giảm đối với từng phạm nhân và nêu rõ lý do.
c) Đề nghị Tòa án không chấp nhận đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án đối với từng phạm nhân; căn cứ không chấp nhận.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn