Đối tượng và nguyên tắc hưởng chế độ cấp phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cho người có công được quy định như nào?

Cho tôi hỏi, đối tượng và nguyên tắc hưởng chế độ cấp phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cho người có công được quy định như nào? Việc cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng theo quy trình như nào? Mong được hỗ trợ theo quy định mới nhất.

Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng

Căn cứ vào Điều 88 Nghị định 131/2021/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 15/02/2022) quy định về đối tượng và nguyên tắc hưởng chế độ cấp phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cho người có công như sau:

- Người có công quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k khoản 1 Điều 3; khoản 1 Điều 38; thân nhân người có công quy định tại điểm a khoản 3 Điều 16 và khoản 1 Điều 31 Pháp lệnh.

- Trường hợp người có công đồng thời là thân nhân liệt sĩ thì chỉ hưởng chế độ cao nhất của một đối tượng.

Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng

Tại Điều 89 Nghị định 131/2021/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 15/02/2022) quy định về việc cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng như sau:

- Cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc bệnh viện cấp tỉnh trở lên cấp (bao gồm cả bệnh viện quân đội, công an), cụ thể như sau:

+ Các đối tượng quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, i, k khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh; khoản 1 Điều 38 Pháp lệnh; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được cấp xe lăn hoặc xe lắc hoặc phương tiện thay thế bằng mức tiền cấp mua xe lăn hoặc xe lắc.

+ Các đối tượng quy định tại điểm g, h khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh được cấp phương tiện trợ giúp và dụng cụ chỉnh hình căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật ghi trong hồ sơ thương binh, bệnh binh, cụ thể như sau:

Tay giả; Máng nhựa tay;

Chân giả; Máng nhựa chân; Một đôi giày hoặc một đôi dép chỉnh hình; Nẹp đùi, nẹp căng chân; Nạng; Xe lăn hoặc xe lắc hoặc phương tiện thay thế bằng mức tiền cấp mua xe lăn hoặc xe lắc. Trường hợp cấp xe lăn hoặc xe lắc đồng thời cấp chân giả thì thời hạn sử dụng của mỗi phương tiện là 06 năm;

Áo chỉnh hình;

Máy trợ thính;

Mắt giả (tiền lắp mắt giả thanh toán theo chứng từ của bệnh viện cấp tỉnh trở lên); kính râm, gậy dò đường;

Răng giả theo số răng bị mất ghi tại hồ sơ thương binh;

Hàm giả đối với thương binh hỏng hàm do thương tật ghi tại hồ sơ thương binh;

Các đồ dùng phục vụ sinh hoạt đối với thương binh, bệnh binh bị liệt nửa người hoặc liệt hoàn toàn hoặc bị tâm thần thể kích động hoặc thương binh, bệnh binh vừa bị thể tâm thần kích động đồng thời bị liệt nửa người hoặc liệt hoàn toàn.

+ Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 31 Pháp lệnh được cấp: xe lăn; kính râm, gậy dò đường.

- Việc cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng (bao gồm cả tiền mua vật phẩm phụ, bảo trì phương tiện) cho cả niên hạn sử dụng được thực hiện cùng một lần.

Trường hợp người có tên trong danh sách các trường hợp được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt nhưng chưa thực hiện mà chết thì vẫn chi trả tiền cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng đối với thân nhân.

- Hỗ trợ tiền đi lại, tiền ăn khi đi làm phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Người có công với cách mạng

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào