Có bắt buộc phải công chứng khi ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh?
Bắt buộc phải công chứng khi ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh?
Hợp đồng hợp tác kinh doanh có bắt buộc phải công chứng khi ký kết không và cho hỏi thêm hợp đồng hợp tác kinh doanh phải có các nội dung nào?
Trả lời: Tại Khoản 14 Điều 3 Luật đầu tư 2020 có quy định:
Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.
Nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh gồm các nội dung:
- Hợp đồng BCC bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
+ Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
+ Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
+ Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
+ Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
+ Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
+ Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.
- Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
- Các bên tham gia hợp đồng BCC có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.
=> Như vậy, theo quy định nêu trên thì hợp đồng hợp tác kinh doanh là một dạng của giao dịch dân sự, vậy nên nếu hợp đồng thỏa mãn các điều kiện của Bộ luật dân sự thì hợp đồng đó vẫn có điều kiện.
Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
Tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015, có quy định về điều kiện của hợp đồng dân sự như sau:
Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Như vậy, cả trong Bộ luật dân sự và Luật đầu tư không có quy định bắt buộc hợp đồng hợp tác kinh doanh phải công chứng, chứng thực thì mới có hiệu lực. Vậy nên, nếu các bên có mong muốn được công chứng, chứng thực. Hoặc để tránh những vướng mắc pháp lý về sau thì có thể lựa chọn công chứng chứng thực, còn luật thì không bắt buộc.
Hợp đồng vận chuyển bàn ghế cho sinh viên có phải lập thành văn bản không?
Dạ, em là sinh viên năm 3 ngành quản trị khách sạn, ngày mai em có thuê người khác vận chuyển bàn ghế từ phòng trọ này qua phòng trọ khác thì hợp đồng vận chuyển đó có bắt buộc lập văn bản không?
Trả lời: Căn cứ Điều 531 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hình thức hợp đồng vận chuyển tài sản như sau:
Hình thức hợp đồng vận chuyển tài sản:
1. Hợp đồng vận chuyển tài sản được giao kết bằng văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
2. Vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giữa các bên.
Như vậy, thông qua quy định trên và đối chiếu trường hợp mà bạn đề cập thì hợp đồng vận chuyển tài sản là bàn ghế không bắt buộc giao kết bằng văn bản mà có thể bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể theo quy định trên.
Có được gia hạn thời gian giao hàng trong hợp đồng gia công không?
Xin hỏi, tôi có ký hợp đồng gia công với công ty B, mà đến hạn bên tôi vẫn chưa thực hiện xong. Tôi muốn gửi văn bản đến công ty họ xin gia hạn thêm thời gian được không?
Trả lời: Căn cứ Khoản 1 Điều 550 Bộ luật dân sự 2015 quy định vê chậm giao, chậm nhận sản phẩm gia công như sau:
Trường hợp bên nhận gia công chậm giao sản phẩm thì bên đặt gia công có thể gia hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên nhận gia công vẫn chưa hoàn thành công việc thì bên đặt gia công có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Như vậy, về nguyên tắc dân sự là sự thỏa thuận, đồng thời tại Điều luật trên nêu rõ khi bên nhận gia công chậm giao sản phẩm thì bên đặt gia công có thể gia hạn. Tuy nhiên, bạn cần chú ý họ có quyền chấm dứt một cách đơn phương nếu hết thời hạn đó mà bên bạn vẫn chưa giao cho họ.
Trân trọng!
Lê Bảo Y