Nghỉ tết có được tính vào thời gian đóng BHXH không? Trong thời gian nghỉ tết có được hưởng chế độ ốm đau không?
Nghỉ tết có được tính vào thời gian đóng BHXH không?
Theo Khoản 1 Điều 112 Bộ luật lao động 2019 quy định về nghỉ lễ, tết, cụ thể:
- Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
+ Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
+ Tết Âm lịch: 05 ngày;
+ Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
+ Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
+ Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
+ Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
Và tại Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương đối với những ngày này.
Khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Như vậy, theo quy định này thì trường hợp người lao động nghỉ vào ngày Tết âm lịch và nghỉ phép hằng năm thì vẫn được tính vào ngày công để đóng BHXH.
Đối chiếu với trường hợp của anh, 01 ngày nghỉ phép năm và 05 ngày nghỉ Tết âm lịch thì sẽ được tính để đóng BHXH. Do đó, chỉ có 6 ngày nghỉ công việc riêng nên không được tính. Như vậy, công ty trả thông báo không đóng BHXH là không đúng quy định.
Nghỉ tết có được tính vào thời gian đóng BHXH không? Trong thời gian nghỉ tết có được hưởng chế độ ốm đau không? (Hình từ Internet)
Trong thời gian nghỉ tết có được hưởng chế độ ốm đau?
Theo Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, có quy định về thời gian hưởng chế độ ốm đau như sau:
Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:
- Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;
- Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Theo quy định, trong thời gian nghỉ tết, người lao động được nghỉ việc và hưởng nguyên lương.
Và cũng theo quy định trên thì trong thời gian nghỉ tết, lễ người lao động bị ốm đau (không thuộc danh mục bệnh dài ngày) thì sẽ không được cơ quan BHXH chi trả. Phía cơ quan BHXH chỉ chi trả chế độ ốm đau cho người lao động cho những ngày nghỉ không phải ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.
Thời gian nghỉ ốm hưởng chế độ BHXH là bao lâu?
Theo quy định tại Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong 01 năm đối với người lao động như sau:
- Nếu làm việc trong điều kiện bình thường:
+ 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm;
+ 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 - 30 năm;
+ 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
- Nếu làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên:
+ 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm;
+ 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 - 30 năm;
+ 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
- Nếu mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành:
+ 180 ngày;
+ Hết 180 ngày nêu trên, vẫn tiếp tục điều trị thì được nghỉ tiếp chế độ ốm đau nhưng thời gian tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.
Lưu ý: Thời gian này không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ tết và ngày nghỉ hàng tuần.
Như vậy, thời gian nghỉ ốm đau đối với người lao động có đóng BHXH bắt buộc được quy định như trên. Mức tối đa là 180 ngày đối với trường hợp cần chữa trị dài ngày, ngoài thời gian này thì nếu vẫn tiếp tục điều trị thì được nghỉ tiếp chế độ ốm đau nhưng thời gian tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật