Việc tham gia đoàn công tác liên ngành và lãnh đạo BGDĐT tổ chức đoàn đi công tác cơ sở quy định ra sao?
1. Quy định về việc tham gia đoàn công tác liên ngành
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 27 Quy chế làm việc của Bộ giáo dục và đào tạo (Ban hành kèm theo Quyết định 355/QĐ-BGDĐT năm 2022) quy định về việc tham gia đoàn công tác liên ngành như sau:
a) Việc cử cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia các đoàn công tác của Nhà nước, các đoàn công tác liên ngành đi các địa phương, đơn vị (gọi chung là cơ sở) phải theo đúng thành phần được yêu cầu. Những vấn đề liên quan đến ngành phải được chuẩn bị bằng văn bản theo yêu cầu của trưởng đoàn công tác và trình lãnh đạo Bộ phụ trách phê duyệt;
b) Khi kết thúc chương trình công tác, chậm nhất sau năm (05) ngày làm việc, cán bộ tham gia đoàn phải báo cáo bằng văn bản gửi người đứng đầu đơn vị đã cử đi công tác về kết quả chương trình công tác, những vấn đề có liên quan đến ngành (do cơ sở đề nghị hoặc theo kết luận của trưởng đoàn).
2. Quy định về lãnh đạo Bộ tổ chức đoàn đi công tác cơ sở
Bên cạnh đó theo Khoản 1 Điều 27 Quy chế làm việc của Bộ giáo dục và đào tạo (Ban hành kèm theo Quyết định 355/QĐ-BGDĐT năm 2022) quy định về lãnh đạo Bộ tổ chức đoàn đi công tác cơ sở như sau:
a) Bộ trưởng quyết định việc đi công tác trong nước của các Thứ trưởng. Thứ trưởng quyết định việc đi công tác đối với người đứng đầu các đơn vị phụ trách. Người đứng đầu các đơn vị thuộc Bộ lập kế hoạch đi công tác, trình lãnh đạo Bộ phụ trách xem xét, phê duyệt: nội dung làm việc, thành phần, thời gian, địa điểm, kinh phí và phương tiện đi lại. Trường hợp đặc biệt, đột xuất không có kế hoạch trước thì báo cáo Bộ trưởng quyết định. Khi có chủ trương của lãnh đạo Bộ, đơn vị được giao chủ trì liên hệ với cơ sở để thống nhất chương trình, kế hoạch làm việc, trình trưởng đoàn;
b) Văn phòng thông báo cho đơn vị liên quan để chuẩn bị sau khi chương trình, kế hoạch được duyệt. Người đứng đầu đơn vị cử cán bộ tham gia đoàn công tác theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ, đồng thời bảo đảm yêu cầu quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
c) Đơn vị chủ trì chuẩn bị tài liệu, báo cáo lãnh đạo Bộ và gửi cho các đơn vị, cơ quan liên quan trước ba (03) ngày làm việc. Nếu nội dung công tác là kiểm tra thì cần thông báo trước nội dung cho các cơ quan, địa phương chủ động chuẩn bị (trừ kiểm tra đột xuất hoặc cần giữ bí mật). Văn phòng phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị nội dung khi lãnh đạo Bộ đi kiểm tra cơ sở;
d) Trước ngày làm việc, đơn vị chủ trì phải thống nhất lần cuối với đơn vị cơ sở về chương trình và kế hoạch làm việc, báo cáo lãnh đạo Bộ;
đ) Tổ chức làm việc: Đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm phối hợp với đơn vị cơ sở triển khai công việc theo chương trình, kế hoạch đã thống nhất, xử lý các tình huống phát sinh, trình xin ý kiến lãnh đạo Bộ khi vượt quá thẩm quyền;
e) Sau khi hoàn thành chương trình, kế hoạch làm việc, đơn vị chủ trì phối hợp với đơn vị cơ sở dự thảo thông báo về kết quả làm việc, ý kiến kết luận của lãnh đạo Bộ, trình lãnh đạo Bộ duyệt trước khi ký ban hành. Văn phòng chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện thông báo của lãnh đạo Bộ.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi