Trong vụ án dân sự thì không được nhờ người khác kháng cáo?
Trong vụ án dân sự không được nhờ người khác kháng cáo?
Căn cứ Khoản 3 Điều 272 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:
- Người kháng cáo là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người kháng cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ.
- Người kháng cáo quy định tại khoản 2 Điều này nếu không tự mình kháng cáo thì có thể ủy quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền của người kháng cáo, của người kháng cáo ủy quyền kháng cáo; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo ủy quyền kháng cáo và văn bản ủy quyền. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo ủy quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.
Như vậy, có thể ủy quyền cho người khác đại diện để kháng cáo trong trường hợp người kháng cáo không thể tới được vì lý do nào đó.
Người kháng cáo chết thì phiên toà xét xử phúc thẩm có bị đình chỉ không?
Căn cứ Khoản 1 Điều 289 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hoặc một phần vụ án trong các trường hợp sau đây:
- Các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này;
- Người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị;
- Người kháng cáo rút một phần kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Theo Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này, sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:
- Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;
- Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;
Như vậy, theo quy định trên người kháng cáo mất thì quyền, nghĩa vụ của người này sẽ được thừa kế. Trong trường hợp này những người thừa kế quyền và nghĩa vụ của người kháng cáo sẽ tiếp tục tham gia tố tụng. Vì vậy người kháng cáo chết mà có người thừa kế thì Tòa án không đình chỉ xét xử phúc thẩm.
Đơn kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm phải được gửi đến đâu?
Điều 271 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định: Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
Theo đó, Đơn kháng cáo phải được gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm thì Tòa án đó phải chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của Bộ luật này (Khoản 2 Điều 271).
Như vậy, theo quy định trên thì có thể gửi đơn kháng cáo cho Tòa sơ thẩm hoặc Tòa phúc thẩm. Tuy nhiên, để đơn giản về thủ tục, thì cần làm đơn kháng cáo gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định.
Trân trọng!
Lê Bảo Y