Điều kiện, tiêu chuẩn để công nhận người hoạt động cách mạng từ 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 là gì?
Điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người hoạt động cách mạng từ 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945
Căn cứ vào Điều 9 Nghị định 131/2021/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 15/02/2022) quy định về điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người hoạt động cách mạng từ 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 như sau:
- Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 là người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận khi có một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 11 Pháp lệnh.
- Danh mục ngày khởi nghĩa tại các địa phương theo quy định tại Phụ lục II Nghị định này.
Căn cứ lập hồ sơ công nhận người hoạt động cách mạng từ 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945
Tại Điều 10 Nghị định 131/2021/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 15/02/2022) quy định về căn cứ lập hồ sơ công nhận người hoạt động cách mạng từ 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 như sau:
- Người còn sống hoặc người đã hy sinh, từ trần từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 trở về sau thì căn cứ vào bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ có ghi nhận thời gian tham gia hoạt động cách mạng sau:
+ Lý lịch của cán bộ, đảng viên khai từ năm 1969 trở về trước do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý.
+ Lý lịch đảng viên khai năm 1975, 1976 theo Thông tri số 297/TT-TW ngày 20 tháng 4 năm 1974 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa III) đối với người hoạt động cách mạng do cơ quan, tổ chức để thất lạc lý lịch khai từ năm 1969 trở về trước hoặc người hoạt động cách mạng được kết nạp vào Đảng sau năm 1969 hoặc người hoạt động liên tục ở các chiến trường B, C, K từ năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.
- Người đã hy sinh, từ trần từ trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì căn cứ một trong các giấy tờ có ghi nhận thời gian tham gia hoạt động cách mạng sau:
+ Bản sao được chứng thực từ lý lịch theo quy định tại khoản 1 Điều này, từ hồ sơ khen thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hoặc từ hồ sơ, tài liệu đang lưu giữ tại cơ quan lưu trữ của Đảng, Nhà nước, bảo tàng lịch sử từ cấp huyện trở lên.
+ Bản trích lục hồ sơ liệt sĩ.
+ Lịch sử đảng bộ từ cấp xã trở lên được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và cấp phép xuất bản.
Trân trọng!