Mục đích phạm vi, đối tượng áp dụng Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Xây dựng

Cho hỏi Mục đích và phạm vi, đối tượng áp dụng Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Xây dựng được quy định như thế nào?

Mục đích Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Xây dựng

Căn cứ Điều 1 Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Quyết định 1393/QĐ-BXD năm 2021 mục đích của quy tắc này như sau:

1. Nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ; đảm bảo tính chuyên nghiệp, liêm chính, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ.

2. Là cơ sở để mỗi cá nhân cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tự điều chỉnh hành vi của mình nhằm đạt tới các giá trị văn hóa.

3. Thực hiện công khai các nhiệm vụ, công vụ và một số quan hệ xã hội liên quan đến việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

4. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện văn hóa công vụ; làm căn cứ để các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét trách nhiệm khi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm các quy tắc ứng xử trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội, đồng thời là căn cứ để nhân dân giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Phạm vi, đối tượng áp dụng Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Xây dựng

Căn cứ Điều 2 Quy tắc này phạm vi, đối tượng áp dụng Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Xây dựng như sau:

Quy tắc này được áp dụng với tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc và trực thuộc Bộ Xây dựng.

Trang phục, tác phong, lề lối, nơi làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc bộ xây dựng

Căn cứ Điều 3 Quy tắc này khi làm việc tại công sở và trong thời gian thực thi nhiệm vụ, công vụ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải tuân theo các quy định sau:

1. Mặc trang phục công sở lịch sự, đầu tóc gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu. Trang phục phải phù hợp với tính chất công việc, đặc thù của Ngành và thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Khuyến khích nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống vào các ngày lễ, tết hoặc các sự kiện đặc biệt của Bộ. Đối với ngành, lĩnh vực có trang phục riêng thì thực hiện theo quy định riêng.

2. Tư thế, tác phong, cử chỉ nghiêm túc; thái độ niềm nở, hòa nhã, khiêm tốn, lễ phép, tôn trọng người giao tiếp; sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc.

3. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải đeo hoặc cài thẻ tên, phù hiệu, chức danh đúng quy định.

4. Không làm việc riêng gây ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức, cá nhân và các cá nhân khác.

5. Tuân thủ quy định về phòng, chống thuốc lá, quy định về cấm hút thuốc lá của cơ quan, đơn vị; không sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa các ngày làm việc (trừ trường hợp được cấp có thẩm quyền phân công tiếp khách theo nghi thức lễ tân ngoại giao).

6. Không mở nhạc, nghe nhạc, chơi điện tử và các thiết bị giải trí cá nhân trong giờ làm việc.

7. Giữ gìn vệ sinh tại cơ quan, phòng làm việc; không thắp hương tại phòng làm việc; không lưu trữ các hình ảnh, nội dung văn hóa phẩm đồi trụy, tài liệu chống Đảng, Nhà nước.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Cán bộ

Mạc Duy Văn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào