Có được cưỡng chế thi hành án dân sự vào ban đêm hay không?
Được cưỡng chế thi hành án dân sự vào ban đêm không?
Có được cưỡng chế thi hành án dân sự vào ban đêm không? Mong nhận hồi đáp.
Trả lời:
Tai Điều 46 Luật thi hành án dân sự 2008 quy định thời gian không được cưỡng chế thi hành án, cụ thể như sau:
Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.
=> Như vậy, theo quy định nên trên thì không được tổ chức cưỡng chế thi hành dân sự trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau. Vào các ngày nghỉ, ngày lễ và các trường hợp theo quy định.
Chi phí cưỡng chế thi hành án do người được thi hành án chịu?
Chi phí cưỡng chế thi hành án do người được thi hành án chịu? Vấn đề này pháp luật quy định thế nào? Nếu có thì trong trường hợp nào họ phải chịu?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 8 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự 2008 có quy định:
Chi phí cưỡng chế thi hành án là các khoản chi phí do người phải thi hành án chịu để tổ chức cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp pháp luật quy định chi phí cưỡng chế thi hành án do người được thi hành án hoặc do ngân sách nhà nước chi trả.
Như vậy trong một số trường hợp luật định thì người được thi hành án cũng phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án.
Và Điều 5 Thông tư 200/2016/TT-BTC có quy định chi phí cưỡng chế thi hành án do người được thi hành án chịu:
- Chi phí định giá lại tài sản quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư này nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại do có vi phạm quy định về định giá.
- Một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn, phá dỡ trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu chi phí xây ngăn, phá dỡ.
- Chi phí kê biên, xử lý tài sản quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP tương ứng với tỷ lệ số tiền, tài sản mà họ thực nhận.
Trường hợp người được thi hành án yêu cầu cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án không đúng thì người đó phải thanh toán các khoản chi phí thực tế do việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án đó.
Các trường hợp ngân sách nhà nước trả chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự
Các trường hợp nào ngân sách nhà nước trả chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự? Pháp luật quy định người phải thi hành án dân sự, người được thi hành án dân sự phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án. Vậy pháp luật có quy định ngân sách nhà nước phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự hay không? Nếu có thì cụ thể là trong các trường hợp nào?
Trả lời:
Theo quy định thì việc cưỡng chế thi hành án dân sự sẽ dựa trên các căn cứ bao gồm: Bản án, quyết định của Tòa án; quyết định thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự; quyết định cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong toả tài sản, tài khoản và trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án.
Trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Trong các trường hợp cụ thể thì chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự có thể do người phải thi hành án, người được thi hành án hoặc ngân sách nhà nước chịu.
Theo đó, theo quy định tại Khoản 3 Điều 73 Luật Thi hành án dân sự 2008 và Khoản 30 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 thì ngân sách nhà nước trả chi phí cưỡng chế thi hành án trong các trường hợp sau đây:
- Định giá lại tài sản khi có vi phạm quy định về định giá;
- Chi phí xác minh điều kiện thi hành án;
- Chi phí cần thiết khác theo quy định của Chính phủ;
- Trường hợp đương sự được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật.
Các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án được thanh toán theo mức chi thực tế, hợp lý do Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự duyệt theo đề xuất của Chấp hành viên.
Trân trọng!
Nguyễn Đăng Huy