Bị gãy thẻ căn cước công dân có phải đổi không? Có buộc phải chụp lại ảnh khi làm lại căn cước công dân hay không?

Bị gãy thẻ căn cước công dân có phải đổi không? Có buộc phải chụp lại ảnh khi làm lại căn cước công dân hay không? Tôi tên Phú vì không chú ý để thẻ căn cước công dân vào túi quần nên thẻ của tôi bị gãy gập lại. Vậy tôi cần có phải đi đổi căn cước công dân không? Trong trường hợp phải đi đổi thì tôi có phải chụp lại ảnh không?

Bị gãy thẻ căn cước công dân có phải đổi không? 

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014 quy định các trường hợp đổi thẻ Căn cước công dân như sau:
 
- Thẻ Căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau đây:

+ Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này;

+ Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;

+ Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;

+ Xác định lại giới tính, quê quán;

+ Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;

+ Khi công dân có yêu cầu.

Như vậy, theo quy định hiện hành, thì trong trường hợp thẻ căn cước công dân của bạn bị gập lại này làm thẻ bị biến dạng thông tin và không thể sử dụng được thì bạn cần làm thủ tục đổi lại thẻ căn cước công dân.

Có buộc phải chụp lại ảnh khi làm lại căn cước công dân hay không?

Bên cạnh đó tại Điều 5 Thông tư 60/2021/TT-BCA quy định về việc thu nhận thông tin công dân như sau:

Sau khi tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, cán bộ thu nhận thông tin công dân thực hiện như sau:

- Tìm kiếm thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

+ Trường hợp thông tin công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và không có sự thay đổi, điều chỉnh thì sử dụng thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

+ Trường hợp thông tin công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng có sự thay đổi, điều chỉnh thì đề nghị công dân xuất trình giấy tờ pháp lý chứng minh nội dung thay đổi để cập nhật, bổ sung thông tin trong hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

+ Trường hợp thông tin công dân chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì đề nghị công dân xuất trình một trong các loại giấy tờ hợp pháp chứng minh nội dung thông tin nhân thân để cập nhật thông tin trong hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

- Lựa chọn loại cấp Căn cước công dân (cấp, đổi, cấp lại) và tiến hành mô tả đặc điểm nhân dạng của công dân.

- Thu nhận vân tay của công dân theo các bước như sau:

Thu nhận vân tay phẳng của 4 ngón chụm bàn tay phải (ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út, ngón út);

Thu nhận vân tay phẳng của 4 ngón chụm bàn tay trái (ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út, ngón út);

Thu nhận vân tay phẳng của 2 ngón cái chụm;

Thu nhận vân tay lăn 10 ngón theo thứ tự: Ngón cái phải, ngón trỏ phải, ngón giữa phải, ngón áp út phải, ngón út phải, ngón cái trái, ngón trỏ trái, ngón giữa trái, ngón áp út trái, ngón út trái.

Trường hợp không thu nhận được đủ 10 vân tay của công dân thì mô tả và nhập thông tin về tình trạng vân tay không thu nhận được.

- Chụp ảnh chân dung của công dân

Ảnh chân dung của công dân khi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân là ảnh màu, phông nền trắng, chụp chính diện, đầu để trần, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính; trang phục, tác phong nghiêm túc, lịch sự. Đối với trường hợp công dân theo tôn giáo, dân tộc thì được mặc lễ phục tôn giáo, trang phục dân tộc đó, nếu có khăn đội đầu thì được giữ nguyên nhưng phải đảm bảo rõ mặt, rõ hai tai.

...

Như vậy, theo thủ tục cấp lại căn cước công dân thì việc chụp ảnh cũng là một trong những bước cấp lại thẻ do đó bạn buộc phải ảnh chân dung khi xin cấp lại căn cước công dân.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Trường hợp cấp lại thẻ căn cước công dân

Võ Ngọc Nhi

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào