Việc lấy ý kiến và tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính quy định thế nào?
1. Yêu cầu về các thành phần của thủ tục hành chính trong văn bản hướng dẫn
Căn cứ Điều 9 Quy chế kiểm soát thủ tục hành chính của bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm Quyết định 88/QĐ-BHXH năm 2022 yêu cầu về các thành phần của thủ tục hành chính trong văn bản hướng dẫn như sau:
- TTHC trong văn bản hướng dẫn phải căn cứ trên cơ sở các quy định của pháp luật và thể hiện rõ các bộ phận cấu thành cơ bản sau đây: Tên TTHC; Trình tự thực hiện; Cách thức thực hiện; Thành phần, số lượng hồ sơ; Thời hạn giải quyết; Đối tượng thực hiện TTHC; Cơ quan giải quyết TTHC.
- Trường hợp TTHC có mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính, kết quả thực hiện TTHC; yêu cầu, điều kiện; phí, lệ phí thì các yêu cầu, điều kiện; phí, lệ phí phải thể hiện rõ trong văn bản hướng dẫn; mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính, mẫu kết quả thực hiện TTHC phải được chỉ dẫn theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc ban hành theo thẩm quyền tại văn bản hướng dẫn thực hiện TTHC của BHXH Việt Nam.
2. Việc lấy ý kiến và tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính
Việc lấy ý kiến và tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính quy định tại Điều 10 Quy chế này như sau:
- Đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản hướng dẫn thực hiện về TTHC có trách nhiệm lấy ý kiến tham gia của Văn phòng BHXH Việt Nam, Vụ Pháp chế, Trung tâm Công nghệ thông tin và các đơn vị, cá nhân liên quan; đồng thời nghiên cứu, tiếp thu giải trình theo quy định.
- Hồ sơ gửi lấy ý kiến gồm:
+ Văn bản đề nghị lấy ý kiến cần nêu rõ vấn đề cần lấy ý kiến đối với quy định về TTHC, xác định rõ các tiêu chí đã đạt được của TTHC theo quy định tại khoản 1 Điều 7;
+ Dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện TTHC;
+ Các biểu mẫu đánh giá tác động theo quy định tại khoản 2 Điều 7;
+ Các hồ sơ, tài liệu liên quan.
- Thời hạn tham gia ý kiến và tiếp thu, giải trình của đơn vị
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Văn phòng và các đơn vị, cá nhân liên quan gửi văn bản góp ý cho đơn vị chủ trì soạn thảo, đồng thời chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến tham gia. Nội dung tham gia tập trung vào các vấn đề được quy định tại điều 7, 8, 9 của Quy chế này.
+ Trong thời hạn 07 ngày làm việc sau khi nhận được văn bản tham gia ý kiến của các đơn vị, cá nhân, đơn vị chủ trì soạn thảo gửi Văn phòng BHXH Việt Nam văn bản tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và dự thảo văn bản hướng dẫn.
- Ý kiến của Văn phòng sau khi đơn vị tiếp thu, giải trình
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, Văn phòng có ý kiến về hồ sơ và nội dung dự thảo văn bản hướng dẫn của đơn vị sau khi đơn vị gửi hồ sơ theo điểm b, khoản 3 Điều này. Văn phòng có trách nhiệm báo cáo Phó Tổng Giám đốc phụ trách Văn phòng về nội dung góp ý trên.
3. Công tác thẩm định và trình ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính
Bên cạnh đó, tại Điều 11 Quy chế này quy định về việc thẩm định và trình ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính như sau:
- Đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản sau khi tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia của Văn phòng BHXH Việt Nam và các đơn vị, lập hồ sơ gửi Vụ Pháp chế thẩm định. Sau khi có ý kiến thẩm định của Vụ Pháp chế, đơn vị gửi hồ sơ trình Lãnh đạo BHXH Việt Nam ký ban hành văn bản.
- Hồ sơ, quy trình thẩm định và hồ sơ trình ban hành văn bản thực hiện theo Quy chế làm việc của BHXH Việt Nam và Quy định về công tác văn thư ngành BHXH Việt Nam.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi