Trong các trường hợp nào lô vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền bị thu hồi phải tiêu hủy?
Trường hợp lô vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền bị thu hồi phải tiêu hủy
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 21 Thông tư 38/2021/TT-BYT (Có hiệu lực từ 15/02/2022) quy định về trường hợp lô vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền bị thu hồi phải tiêu hủy như sau:
- Vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền bị thu hồi do vi phạm mức độ 1 hoặc mức độ 2;
- Vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền bị thu hồi do vi phạm mức độ 3 không thể khắc phục được sau khi Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) xem xét theo quy định tại khoản 3 Điều này;
- Vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền bị thu hồi do vi phạm mức độ 3 được phép khắc phục hoặc tái xuất nhưng không thực hiện được việc khắc phục, tái xuất.
Tiêu hủy lô vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền
Tại Khoản 2 Điều 21 Thông tư 38/2021/TT-BYT (Có hiệu lực từ 15/02/2022) quy định về tiêu hủy lô vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền như sau:
- Người đứng đầu cơ sở kinh doanh dược có vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền bị tiêu hủy ra quyết định thành lập Hội đồng hủy thuốc. Hội đồng có ít nhất là 03 người, trong đó phải có 01 đại diện là người chịu trách nhiệm chuyên môn;
- Việc hủy vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền phải bảo đảm an toàn cho người, súc vật và tránh ô nhiễm môi trường theo các quy định của pháp luật vô bảo vệ môi trường;
- Cơ sở hủy vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền phải báo cáo kèm theo biên bản hủy thuốc cổ truyền tới Sở Y tế tỉnh, thành phố theo quy định tại Mẫu số 10 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;
- Cơ sở kinh doanh dược có vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền vi phạm phải chịu trách nhiệm về kinh phí hủy thuốc.
Trân trọng!