Trường hợp không có người nhận thừa kế thì tài sản sẽ thuộc về Nhà nước đúng không?

Trường hợp không có người nhận thừa kế thì tài sản sẽ thuộc về Nhà nước đúng không? Không có tên trong di chúc thì có được nhận di sản thừa kế không? Cha mẹ nuôi có được là người thừa kế không phụ thuộc di chúc?  

Trường hợp không có người nhận thừa kế thì tài sản sẽ thuộc về Nhà nước?

Các luật sư cho tôi hỏi có phải trường hợp một người chết đi có tài sản để lại rất nhiều nhưng không để lại di chúc, cũng không có người thừa kế theo pháp luật thì phần tài sản của người chết để lại sẽ thuộc về Nhà nước đúng không?

Trả lời: Theo quy định của pháp luật hiện hành thì mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật (được xác định là người thừa kế).

Theo đó, người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Còn di sản thừa kế bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

Trường hợp tài sản không có người nhận thừa kế thì được xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự.

Tại Điều 622 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

"Điều 622. Tài sản không có người nhận thừa kế

Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước."

Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì trường hợp tài sản không có người nhận thừa kế (người nhận thừa kế theo di chúc, người nhận thừa kế theo pháp luật, hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản thừa kế do người chết để lại (được quy định tại Điều 621 Bộ luật dân sự 2015), hoặc từ chối nhận di sản thừa kế do người chết để lại (được quy định tại Điều 620 Bộ luật dân sự 2015)) thì sau khi thực hiện xong các nghĩa vụ về tài sản của người để lại di sản, số tài sản còn lại sẽ thuộc về Nhà nước.

Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

Không có tên trong di chúc thì có được nhận di sản thừa kế không?

Chuyện là em trai tôi một mình nó gà trống nuôi 03 đứa con (02 đứa lớn đang học đại học, riêng đứa nhỏ thì 15 tuổi), nay nó bệnh và trước khi chết có làm di chúc. Không biết nó suy nghĩ thế nào mà di chúc nó để là tài sản chia đôi cho đứa lớn và đứa thứ 2, đứa út không có tên trong di chúc đó. Di chúc của nó là hợp pháp. Vậy bây giờ đứa út phải làm sao, có được hưởng được phần nào di sản của bố nó khi nó không có tên trong di chúc không?

Trả lời: Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 thì:

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

- Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Như bạn có trình bày thì di chúc này là hợp pháp (vì nó đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015). Theo đó, đứa con út của người mất 15 tuổi, chưa thành niên, nên theo quy định trên sẽ được hưởng phần di sản ít nhất bằng hai phần ba của người hưởng theo di chúc.

Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.

Cha mẹ nuôi có được là người thừa kế không phụ thuộc di chúc?

Cho em hỏi 1 chút liên quan đến vấn đề thừa kế theo di chúc là cha mẹ nuôi có được là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo Điều 644 bộ luật dân sự 2015 hay không? 

Trả lời: Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc như sau:

1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.

Như vậy, điều luật không có quy định cụ thể chỉ có cha mẹ ruột mới được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc nên cần hiểu con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ chồng là (con ruột, con nuôi, cha me ruột, cha mẹ nuôi) đều được hưởng thừa kế không phụ thuộc nội dung của di chúc.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thừa kế

Lê Bảo Y

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào