Từ chối nhận di sản sau khi chia thừa kế có được không?

Từ chối nhận di sản sau khi chia thừa kế có được hay không? Có được thừa kế di sản của nhau hay không? Thời điểm mở thừa kế là thời điểm nào? 

Từ chối nhận di sản sau khi chia thừa kế có được hay không?

Cha tôi mất đi có để lại cho các anh/chị/em trong gia đình một khối tài sản lớn và không nợ nần gì ai cả. Trong đó có nhà từ đường và tiền. Hiện tại tài sản đó đã được phân chia hết cho các anh/chị/em trong gia đình, trong đó có tôi. Nhưng hiện tại vì một số lý do tôi muốn xin từ chối nhận phần di sản mà mình đã được chia thì có được hay không?

Trả lời: Theo quy định của pháp luật hiện hành thì mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật (được xác định là người thừa kế).

Theo đó, người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Tại Điều 620 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

"Điều 620. Từ chối nhận di sản

1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản."

Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản thừa kế, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Tuy nhiên, việc từ chối nhận di sản thừa kế phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản thừa kế.

Do đó: Đối với trường hợp mà bạn cung cấp cho chúng tôi thì thời điểm hiện tại, gia đình đã hoàn thành việc phân chia di sản thừa kế của cha bạn cho các anh/chị/em trong gia đình, trong đó có tôi. Nên thời điểm hiện tại bạn không có quyền từ chối nhận di sản thừa kế.

Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

Có được thừa kế di sản của nhau hay không?

Gia đình tôi có một vấn đề sau đây cần được giải thích ạ. Thể là, bác của em có chở ông nội đi khám bệnh trên bệnh viện huyện. Nhưng không may xe bác của em gặp tai nạn, cả ông và bác đều mất. Cả gia đình đều đau xót. Khi mất đi, ông nội và bác đều có tài sản riêng để lại cho con cháu. Nhưng theo em biết thì cả ông nội và bác đều có quyền thừa kế di sản của nhau. Vậy trong trường hợp cả ông nội và bác mất cùng một lúc như thế này thì ông nội và bác có được thừa kế tài sản của nhau hay không ạ?

Trả lời: Theo quy định của pháp luật hiện hành thì mọi cá cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Tại Điều 619 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

"Điều 619. Việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm

Trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước (sau đây gọi chung là chết cùng thời điểm) thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 của Bộ luật này."

Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm thì không được thừa kế di sản của nhau. Trong trường hợp này, di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị.

Do đó: Đối với trường hợp mà bạn cung cấp cho chúng tôi thì ông nội và bác của bạn đều có quyền thừa kế di sản của nhau. Nhưng không may ông nội và bác của bạn bị tai nạn giông thông và chết cùng thời điểm. Nên không được thừa kế di sản của nhau.

Khi đó:

- Di sản của ông nội bạn do người thừa kế của ông nội bạn hưởng. Phần di sản thừa kế của bác bạn được hưởng trong di sản mà ông nội bạn do con của bác bạn hưởng.

- Di sản của bác bạn do người thừa kế của bác bạn bạn hưởng.

Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

Thời điểm mở thừa kế là thời điểm nào?

Tôi có chồng bỏ nhà đi đã nhiều năm, hơn ba năm trước Tòa án tại địa phương đã có quyết định tuyên bố mất tích đối với trường hợp của chồng tôi. Đến thời điểm hiện tại đã hơn ba năm mà chồng tôi vẫn không thấy quay về nên có yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố chồng tôi đã chết. Hiện tại tôi đang cầm quyết định  tuyên bố chồng tôi đã chết trên tay. Và sắp tới sẽ tiến hành mở thủ tục thừa kế đối với tài sản của chồng tôi cho cha, mẹ và tôi sẽ đi lấy chồng (vì tôi còn rất trẻ). Nhưng tôi không biết trong trường hợp này thì thời điểm mở thừa kế đối với phần tài sản của chồng tôi sẽ được xác định từ thời điểm nào ạ?

Trả lời: Theo quy định pháp luật hiện hành thì mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Tại Điều 611 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

"Điều 611. Thời điểm, địa điểm mở thừa kế

1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.

2. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản."

Như vậy: Căn cứ quy định đuộc trích dẫn trên đây thì về nguyên tắc, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết.

Tuy nhiên, trường hợp một người bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại Khoản 2 Điều 71 Bộ luật dân sự 2015.

Theo đó, Khoản 2 Điều 71 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

"Điều 71. Tuyên bố chết

...

2. Căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết."

Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì pháp luật quy định Tòa án căn cứ từng trường hợp tuyên bố một người đã chết cụ thể, mà có trách nhiệm xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết. Ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết phải được thể hiện rõ trong Quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết.

Do đó: Đối với trường hợp của bạn thì thời điểm mở thừa kế đối với phần tài sản của chồng của chồng bạn sẽ được xác định theo ngày chết của chồng bạn được thể hiện trong Quyết định của Tòa án tuyên bố chồng bạn là đã chết.

Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

Trân trọng!

 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thừa kế

Lê Bảo Y

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào