Trường hợp tái giá thì có được hưởng thừa kế hay không?
Trường hợp tái giá có được hưởng thừa kế hay không?
Vợ chồng tôi kết hôn được 5 năm thì chồng tôi mất (cách đây một năm). Lúc chồng tôi mất thì không để lại di chúc gì cả, tài sản của chồng tôi hiện tại được giao cho một người trong họ quản lý đợi đến ngày chia thừa kế theo nguyên tắc của tộc họ. Hiện tại tôi có dự định tái giá với một anh trong cùng thôn (cũng mất vợ), nhưng tôi không biết nếu bây giờ tôi tái giá thì sau này khi chia thừa kế tài sản của chồng tôi thì tôi có được nhận thừa kế hay không?
Trả lời: Theo quy định pháp luật hiện hành thì cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Tại Điều 655 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
"Điều 655. Việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung; vợ, chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác
1. Trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
2. Trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
3. Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản."
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì trường hợp người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.
Do đó: Đối với trường hợp mà bạn cung cấp cho chúng tôi thì sau khi chồng bạn chết không có để lại di chúc thì di sản của chồng bạn chưa được chia mà được giao cho một người trong họ quản lý. Nên trường hợp bạn tái giá thì vẫn được thừa kế di sản của chồng bạn theo quy định của pháp luật.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Địa điểm mở thừa kế là ở đâu?
Ông nội tôi có hộ khẩu thường trú ở Thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam nhưng đã chuyển về sống tại Phường Thọ Quang, Quận Sơ Trà, Thành phố Đà Nẵng nhiều năm nay (theo diện tạm trú, nhưng nhà thì thuộc sở hữu của ông). Ông tôi vừa mất tại Đà Nẵng (tại ngôi nhà nơi ông đang tạm trú ở đó). Vậy khi gia đình đi làm thủ tục mở thừa kế thì địa điểm mở thừa kế là ở Thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam hay là tại Đà Nẵng ạ?
Trả lời: Tại Điều 611 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
"Điều 611. Thời điểm, địa điểm mở thừa kế
1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.
2. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản."
Như vậy: Căn cứ quy định đuộc trích dẫn trên đây thì về nguyên tắc, địa điểm mở thừa kế là cư trú cuối cùng của người để lại di sản. Tuy nhiên, trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản của người để lại di sản.
Theo đó, theo quy định Luật Cư trú 2020 thì nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú, trong đó:
- Chỗ ở hợp pháp: là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.
- Nơi thường trú: là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.
- Nơi tạm trú: là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản được xác định có thể là nơi thường trú hoặc cũng có thể là nơi tạm trú của người để lại di sản.
Do đó: Đối với trường hợp mà bạn cung cấp cho chúng tôi thì ông của bạn đang tạm trú hợp pháp tại phường Thọ Quang, quận Sơ Trà, thành phố Đà Nẵng và mất tại chính địa chỉ này. Nên, địa điểm mở thừa kế trong trường hợp này được xác định là tại phường Thọ Quang, quận Sơ Trà, thành phố Đà Nẵng.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Có được thừa kế di sản khi vợ chồng đã chia tài sản chung hay không?
Tôi và chồng kết hôn đã lâu năm nhưng chưa có con. Chúng tôi sống ly thân nhưng không muốn ly hôn. Cả hai đã chia tài sản chung có văn bản và đã công chứng. Tài sản cũng đã được sang tên cho chủ sở hữu theo thỏa thuận. Hiện tại chúng tôi không còn dính liếu gì tới nhau trên thực tế. Nhưng trên giấy tờ thì vẫn là vợ chồng. Nhưng vừa qua anh ấy đột ngột qua đời không để lại di chúc. Vậy tôi có được thừa kế di sản của anh ấy để lại hay không?
Trả lời: Tại Điều 655 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
"Điều 655. Việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung; vợ, chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác
1. Trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
2. Trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
3. Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản."
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
Do đó: Đối với trường hợp mà bạn cung cấp cho chúng tôi thì vợ chồng bạn đã chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Đã ly thân trên thực tế nhưng trên giấy tờ hai người vẫn là vợ chồng hợp pháp của nhau. Nên bạn được thừa kế di sản mà chồng bạn để lại sau khi chết theo quy định của pháp luật.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Lê Bảo Y