Đóng BHXH tự nguyện chỉ được hưởng lương hưu hằng tháng? Nghỉ hưu trước tuổi có được nhận lương hưu hay không?
1. Đóng BHXH tự nguyện chỉ được hưởng lương hưu hằng tháng?
Ngoài chế độ hưu trí thì người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn có thể hưởng những chế độ nào? Xin được hỗ trợ ạ.
Trả lời:
Theo Khoản 3 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định:
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Như vậy, khi tham gia BHXH tự nguyện người tham gia có thể được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Luật này.
Do đó, người tham gia BHXH tự nguyện có thể được hưởng lương hưu hằng tháng, cũng có thể hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với chế độ hưu chí và hưởng trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất đối với chế độ tử tuất.
2. Nghỉ hưu trước tuổi có được nhận lương hưu không?
Nghỉ hưu trước tuổi thì có được nhận lương hưu không ạ? Mình nay mới 49 tuổi và có đóng 18 năm BHXH. Bây giờ vì lý do gia đình nên mình muốn về hưu trước tuổi, mà hiện chưa đủ tuổi thì có được nhận lương hưu không? Mình là nhân viên văn phòng bình thường ạ.
Trả lời:
Điều kiện để người lao động nghỉ hưu trước tuổi là khi có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và thuộc trường hợp tại Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 sửa đổi, bổ sung Điều 54, Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Đối chiếu quy định trên, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Hiện nay anh 49 tuổi và có 18 năm đóng BHXH không thuộc trường hợp được nghỉ hưu trước tuổi và cũng chưa đủ để nhận lương hưu hàng tháng. Do đó, vì lý do gia đình mà anh muốn nghỉ việc thì sau 01 năm nếu anh không tiếp tục đóng BHXH anh có thể làm thủ tục nhận BHXH 1 lần (Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13).
3. Cách tính tiền vượt thời gian đóng BHXH khi nghỉ hưu
Khi nghỉ hưu tôi được hưởng tiền vượt thời gian đóng BHXH bao nhiêu? Tôi sinh tháng 12 năm 1960, năm nay được nghỉ hưu khi đã đóng BHXH 35 năm.
Trả lời:
Theo Khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
- Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
- Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Theo thông tin anh/chị cung cấp thì không nêu rõ anh/chị là lao động nam hay lao động nữ. Do vậy, chúng tôi giải quyết vấn đề của anh/chị trên 2 đối tượng trong trường hợp nghỉ hưu vào năm 2021 thì:
Thứ nhất, đối với lao động nữ:
- Lao động nữ đóng đủ 15 năm sẽ được hưởng 45% lương hưu, cứ thêm mỗi năm được cộng 2% tối đa là 75%.
- Lúc này, lao động nữ sẽ phải đóng 30 năm BHXH mới được hưởng 75% lương hưu=> Nếu đã đóng 34 năm => được 75% lương hưu + 4 năm đóng dư để được hưởng trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu.
- Mức trợ cấp 1 lần đối với 4 năm đóng dư sẽ = 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. (Điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Thứ hai, đối với lao động nam:
- Lao động nam đóng đủ 19 năm sẽ được hưởng 45% lương hưu, cứ thêm mỗi năm được cộng 2% tối đa là 75%.
- Lúc này, lao động nam sẽ phải đóng 34 năm BHXH mới được hưởng 75% lương hưu=> Nếu đã đóng 34 năm => được 75% lương hưu. Trường hợp này, số năm đóng BHXH của lao động nam vừa đủ để hưởng 75% lương hưu, không dư nên không được hưởng trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu.
Anh/chị căn cứ cách tính trên đây, đối chiếu với trường hợp của mình để xác định mình có được hưởng trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu hay không.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật