Hưởng lương hưu được 6 năm thì chết, trợ cấp tuất một lần tính thế nào?
1. Hưởng lương hưu được 6 năm thì mất, trợ cấp tuất một lần tính thế nào?
Hưởng lương hưu được 6 năm khi mất thì thân nhân được nhận trợ cấp tuất một lần không? Ba tôi tham gia BHXH tự nguyện đã hưởng lương hưu được 6 năm 2 tháng rồi mất, tôi nghe nói trường hợp này nhà tôi được hưởng trợ cấp tuất một lần. Vậy cho hỏi trợ cấp này tính thế nào?
Trả lời:
Theo Khoản 3 Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định chế độ tuất đối với trường hợp tham gia BHXH tự nguyện:
Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; trường hợp chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu.
Căn cứ theo quy định này thì có thể tính được mức hưởng trợ cấp tuất một lần đối với trường hợp của gia đình anh như sau:
Mức trợ cấp tuất một lần = 48 - (0.5 x 6 x 12) = 12 tháng lương hưu đang hưởng.
Anh vui lòng căn cứ mức lương hưu mà bố anh đang hưởng để tính số tiền tuất cụ thể.
2. Thay đổi nơi thường trú có bắt buộc thay đổi nơi nhận lương hưu?
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì một người đang nhận lương hưu hàng tháng nay thay đổi nơi thường trú có bắt buộc thay đổi nơi nhận lương hưu không?
Trả lời:
Theo Điều 115 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về chuyển nơi hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, như sau:
Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng chuyển đến nơi ở khác trong nước có nguyện vọng được hưởng bảo hiểm xã hội ở nơi cư trú mới thì có đơn gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang hưởng.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Như vậy, việc một người đang nhận lương hưu nay thực hiện việc thay đổi nơi thường trú (sổ hộ khẩu) không bắt buộc phải thay đổi nơi nhận lương hưu, mà có nguyện vọng thay đổi nơi nhận mới thực hiện việc thay đổi. Đây không phải là yêu cầu bắt buộc.
3. Vợ chưa đủ 55 tuổi được hưởng tiền tuất hằng tháng sau khi chồng đang hưởng lương hưu mất?
Theo quy định thì có điều kiện gì để vợ chưa đủ 55 tuổi được hưởng tiền tuất hằng tháng sau khi chồng đang hưởng lương hưu chết? Hay bắt buộc trên 55 tuổi mới được nhận không?
Trả lời:
Theo Điểm c Khoản 1 Điều 66, Điểm c Khoản 1 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người đang hưởng lương hưu mà chết thì thân nhân sẽ được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng (thân nhân này phải thuộc đối tượng được hưởng theo quy định).
Thân nhân của người chết nêu trên được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, bao gồm:
- Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai;
- Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ;
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.
Như vậy, trường hợp người vợ chưa đủ 55 tuổi thì chỉ được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng khi chồng đang hưởng lương hưu chết nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật