Trường hợp con chưa sinh ra có được hưởng thừa kế khi bố qua đời đột ngột hay không?

Trường hợp con chưa sinh ra có được hưởng thừa kế khi bố qua đời đột ngột không? Hướng dẫn để lại di sản thừa kế là đất đai? Cháu có được thừa kế tài sản của ông nội khi cha chết trước ông nội?

Trường hợp con chưa sinh ra có được hưởng thừa kế khi bố qua đời đột ngột không?

Tôi đang mang thai được 06 tháng, chồng tôi bị tai nạn lao động qua đời đột ngột. Anh có một căn nhà là tài sản riêng của anh trước khi chúng tôi kết hôn do ba mẹ anh tặng. Vậy khi con tôi sinh ra thì có được thừa kế ngôi nhà đó không? Mong LS tư vấn.

Trả lời: Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Việc xác định quan hệ cha con giữa đứa con mà chị đang mang thai với chồng của chị theo quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

Như vậy, nếu con chị được sinh ra trong vòng 300 ngày kể từ thời điểm chồng chị bị tai nạn qua đời thì về nguyên tắc, chồng chị được xác định là cha của con chị.

Chị thực hiện thủ tục xác định cha, con. Sau khi làm thủ tục xác định cha cho con, chồng chị sẽ được pháp luật công nhận là cha của con chị và được khai trong giấy khai sinh của con chị. Khi đã xác định được mối quan hệ cha, con, con chị lúc bấy giờ sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được nhận di sản thừa kế của chồng chị căn cứ theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Ban biên tập thông tin đến Chị!

Hướng dẫn để lại di sản thừa kế là đất đai

Em xin chào các Luật sư. Em có một vấn đề muốn được tham khảo ý kiến từ các Luật sư ạ. Ông bà em có một mảnh đất, vì lớn tuổi nên ông và cũng muốn chia lại cho các con. Tuy nhiên do ở quê nên không biết thủ tục làm thế nào? Hi vọng được các Luật sư/ các anh chị tư vấn hộ ạ. Em cảm ơn mọi người.

Trả lời: Trong trường hợp này, ông bà bạn có thể lập di chúc để lại đất cho các con. Việc lập di chúc phải tuân thủ các quy định tại Chương XXII Bộ luật Dân sự 2015.

Điều kiện để di chúc hợp pháp: 

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Hình thức của di chúc: Về nguyên tắc, di chúc có thể được thực hiện bằng lời nói hoặc văn bản. Tuy nhiên, việc lập bằng văn bản sẽ hạn chế được các tranh chấp phát sinh. Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc.

Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;

b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

d) Di sản để lại và nơi có di sản.

Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác.

Về người làm chứng: Trường hợp ông bà bạn không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Ông bà bạn phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Cháu có được thừa kế tài sản của ông nội khi cha chết trước ông nội?

Bà nội em mất đã lâu, chỉ còn mỗi ông nội. Nhưng vừa qua, ông nội lên cơn đọt quỵ nên đã qua đời. Cha em mất trước ông nội 02 năm. Vậy em là con ruột của cha và là cháu ruột của ông thì em có được hưởng thừa kế khi ông em mất hay không? Ông nội khi mất đi không có để lại di chúc.

Trả lời: Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Trong đó, thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp người chết không để lại di chúc hoặc có để lại di chúc nhưng di chúc không hợp pháp; những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản không được định đoạt trong di chúc; phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật; phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 thì những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Trong đó, hàng thừa kế được xác định cụ thể như sau:

- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Như vậy: Cha bạn được xác định là người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất khi ông nội bạn qua đời.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 613 Bộ luật dân sự 2015 thì người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Trường hợp này cha bạn đã chết trước khi ông nội bạn qua đời nên không được xác định là người thừa kế.

Nhưng, tại Điều 652 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

"Điều 652. Thừa kế thế vị

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống."

Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì trường hợp con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống.

Do đó: Đối với trường hợp bạn cung cấp cho chúng tôi thì cha của bạn mất trước ông nội bạn 02 năm. Nên khi ông nội bạn mất, bạn (và những người khác là con đẻ, con nuôi hợp pháp của cha bạn) được hưởng phần di sản mà cha bạn được hưởng nếu còn sống.

Phần thừa kế này bằng với phần thừa kế của những người khác cùng hàng thừa kế thứ nhất.

Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

Trân trọng!

 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Hưởng thừa kế

Lê Bảo Y

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào