Người đang chấp hành án phạt tù có được hưởng thừa kế hay không?
Người đang chấp hành án phạt tù có được hưởng thừa kế không?
Chào Ban biên tập, bố tôi qua đời có để lại di chúc, mong muốn của bố là tài sản của bố các con đều nhận được, nhưng riêng anh hai vì là con trưởng nên sẽ được nhận phần nhiều hơn. Vì anh hai hiện đang chấp hành án hình phạt tù về tội đánh bạc, phải qua năm nữa mới chấp hành án xong. Vậy Ban biên tập cho tôi hỏi: Với trường hợp của anh hai tôi, anh ấy có được hưởng phần di sản mà bố tôi để lại không?
Trả lời: Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về những người không được hưởng di sản thừa kế như sau:
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
=> Quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân được các nước ghi nhận và được pháp luật bảo vệ, quyền thừa kế gồm quyền để lại di sản thừa kế và quyền hưởng di sản thừa kế.
Theo những thông tin mà bạn cung cấp thì anh trai bạn phạm tôi đánh bạc, không thuộc các trường hợp trên (bị kết án phạt tù vì những hành vi cố ý gây thương tích với bố bạn). Nên anh trai bạn vẫn được hưởng phần di sản mà bố bạn để lại.
Con riêng thì có được chia thừa kế theo pháp luật không?
Chào Ban tư vấn, em có thắc mắc về vấn đề này mong được Ban tư vấn giải đáp giúp. Em là con riêng của mẹ, bố dượng cũng không có con riêng. Bố dượng và mẹ em cũng không có con chung. Bố dượng em mất không để lại di chúc. Do đó di sản do bố dượng em để lại phải tiến hành chia thừa kế theo pháp luật. Vậy Ban tư vấn cho em hỏi con riêng thì có được chia thừa kế theo pháp luật không? Mong sớm nhân được phản hồi từ Ban tư vấn. Chân thành cảm ơn Ban tư vấn rất nhiều!
Trả lời: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 về những người thừa kế theo pháp luật:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
==> Như bạn đã trình bày, bạn là con riêng của mẹ. Bố dượng bạn mất không để lại di chúc. Theo quy định trên đây về những người thừa kế theo pháp luật thì bạn không thuộc vào trường hợp được chia thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản mà bố dượng bạn để lại. Chỉ có mẹ bạn là vợ, thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên sẽ được chia di sản.
Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế?
Cho em hỏi nhà em trước đây do cha mẹ đứng tên khi mất không để lại di chúc nên theo luật thừa kế là để lại cho các con, bố mẹ em có 4 người con mà 1 người đã mất sau bố mẹ mà người này không có vợ con. Do nhà xuống cấp dột nát nên xin ủy ban phường cho xây sửa trước khi chưa kê khai di sản, bây giờ 3 chị em chúng em bàn bạc từ chối nhận di sản để cho lại một người. Vậy cho em hỏi trước khi lập văn bản từ chối nhận di sản thì hai người muốn từ chối di sản có cần kê khai di sản trước hoặc chứng minh nhân thân với người để lại di sản cho mình không hay hai người chỉ cần soạn văn bản từ chối cho lại một người để mình người này làm kê khai di sản thôi.
Trả lời: Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.
Vì bố mẹ bạn mất không để lại di chúc nên tài sản sẽ chia đều cho các con. Ở đây một người con cũng mất và không có vợ con nên phần của người này cũng sẽ được chia đều cho các anh chị em còn lại. Theo quy định thì việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản. Do đó, việc hai người anh/chị em muốn từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, một người anh chị em còn lại, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
Trân trọng!
Lê Bảo Y