Tranh chấp dành quyền nuôi con có thời gian chuẩn bị xét xử là bao lâu?
Thời gian chuẩn bị xét xử tranh chấp dành quyền nuôi con là bao lâu?
Tranh chấp dành quyền nuôi con là một trong những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Căn cứ Khoản 1 Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau:
- Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;
- Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật này thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
+ Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này và không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này.
+ Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, theo quy định như trên nếu tranh chấp dành quyền nuôi con của bạn không có yếu tố nước ngoài và không được xét xử theo thủ tục rút gọn, thì thời gian chờ xét xử là 04 tháng kể từ ngày thụ lý.
Nếu tranh chấp có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì có thể được gia hạn tối đa đến 02 tháng.
Thẩm phán thực hiện các công việc gì trong thời gian chờ xét xử?
Căn cứ Khoản 2 Điều này thì trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Lập hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 198 của Bộ luật này;
- Xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác;
- Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng;
- Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án;
- Xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này;
- Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật này.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn