Đối với tiền phúng điếu có phải di sản thừa kế hay không?
Đối với tiền phúng điếu có phải di sản thừa kế không?
Ông An vừa qua đời và để lại di sản thừa kế cho các con theo di chúc. Do ông là Tổng giám đốc của 1 công ty cổ phần lớn trên địa bàn nên có rất nhiều bạn bè, từ đó phát sinh ra vấn đề là tiền phúng điếu của ông rất nhiều và các con ông không biết phải chia ra sao hay chia theo di sản thừa kế. Xin hỏi, tiền phúng điếu của ông sau khi chết có được coi là di sản thừa kế không?
Trả lời: Căn cứ Điều 612 Bộ luật dân sự 2015 quy định về di sản thừa kế bao gồm những tài sản sau:
- Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Như vậy di sản cùa người đã chết để lại sẽ bao gồm những tài sản sau:
- Tài sản riêng của người đã chết: Là tài sản người đó có được bằng thu nhập hợp pháp lúc còn sống như tiền lương, tiền thưởng; tài sản được tặng cho, được hưởng thừa kế, trúng số; tài sản là tư liệu sinh hoạt, tư trang, vốn đầu tư kinh doanh, nhà ở, quyền tài sản phát sinh sau khi người đó chết và chết do sự kiện đó (như một người tham gia bảo hiểm nhân thọ nếu chết trong trường hợp không nêu rõ người thụ hưởng là ai thì số tiền bảo hiểm sẽ là tài sản của người này và được chia thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc).
- Tài sản chung của người chết trong khối tài sản chung với người khác: Tài sản này có trong trường hợp người đó hợp tác kinh doanh, lao động sản xuất, làm ăn, đầu tư chung hoặc tài sản của vợ chồng được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân.
Bên cạnh đó, căn cứ vào Điều 611 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thời điểm mở thừa kế như sau:
- Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.
- Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.
Như vậy có thể xác định được rằng tiền phúng điều không phải là di sản thừa kế vì nó phát sinh sau thời điểm mở thừa kế (có sau khi người có tài sản chết). Do đó, việc phân chia tiền phúng điếu sẽ do sự thỏa thuận của những người thân liên quan, sau khi trừ đi khoản chi phí mai táng.
Con được sinh sau khi người cha chết có được nhận di sản thừa kế?
Anh Ân là chủ DNTN XNX. Anh Ân chỉ có người thân gồm vợ là chị Bình và 1 người con là Xuân. Do bị tai nạn giao thông, anh Ân mất đột ngột và để lại di sản thừa kế. Sau khi mai táng anh Ân được 10 tháng, gia đình bắt đầu thực hiện thủ tục chia di sản thừa kế. Vấn đề phát sinh khi chị Bình cũng sinh 1 người con trai (tạm đặt tên là Yến). Yến được bác sĩ xác định là sinh già tháng. Vậy Yến có được nhận di sản thừa kế của anh Ân không? Căn cứ pháp lý cho việc thực hiện? Mong Ban biên tập tư vấn giúp tôi.
Trả lời: Căn cứ Điều 613 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế như sau:
Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Bên cạnh đó Khoản 1 Điều 611 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thời điểm mở thừa kế như sau:
- Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.
Như vậy, phải xét đến việc chị Bình mang thai Yến và có thành thai trước thời điểm mở thừa kế hay không. Do thông thường, thai nhi phải được ra đời sau 9 tháng mang thai, nhưng trường hợp của Yến lại mất 10 tháng kể từ thời điểm anh Ân mất. Tuy nhiên có thể căn cứ vào kết luận của bác sĩ về việc chị Bình sinh con già tháng để bước đầu làm căn cứ xác định việc Yến có thành thai trước thời điểm mở thừa kế hay không? Nếu Yến đã thành thai trước thời điểm mở thừa kế thì Yến sẽ được nhận thừa kế và ngược lại.
Hết thời hiệu thừa kế thì có được khởi kiện phân chia di sản thừa kế?
Cha tôi mất năm 1995 và để lại di sản là 5000 lượng vàng. Lúc đó 02 anh em tôi còn nhỏ nên người vợ thứ 2 của cha tôi là người quản lý 5000 lượng vàng đó. Thời điểm hiện tại, anh em tôi đã lớn và do mẹ kế tính đi bước nữa nên chúng tôi muốn phân chia lại tài sản của cha. Đồng thời tôi cũng được biết là cha tôi không để lại di chúc và 5000 lượng vàng đó là do ông nội để lại cho cha tôi trước khi kết hôn với mẹ tôi. Xin hỏi, trong trường hợp này, hiện tại anh em tôi có được quyền nhờ tòa án phân chia lại tài sản thừa kế của cha không?
Trả lời: Căn cứ Điều 612 Bộ luật dân sự 2015 quy định về di sản thừa kế như sau:
- Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Theo thông tin bạn cung cấp thì 5000 lượng vàng trên sẽ được xác định là tài sản riêng của cha bạn vì là tài sản của ông nội để lại cho cha trước khi kết hôn. Khi cha bạn mất, người thừa kế theo pháp luật sẽ bao gồm mẹ kế của bạn, 02 anh em bạn; căn cứ Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định người thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên vấn đề phát sinh là do cha bạn mất đã quá lâu (cách đây 24 năm) nên cần phải xét về thời hiệu khởi kiện đối với di sản thừa kế được quy định tại điều 623 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
+ Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
+ Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
- Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Như vậy, thời hiệu khởi kiện thừa kế đối với 5000 lượng vàng (là động sản) là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Từ đó có thể xác định, 02 anh em bạn đã không còn quyền khởi kiện đối với tài sản 5000 lượng vàng trên. Do đó, tài sản này sẽ thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó là mẹ kế của bạn.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Trân trọng!
Lê Bảo Y