Doanh nghiệp phân biệt đối xử lao động của mình với lao động thuê lại bị xử phạt bao nhiêu?
Doanh nghiệp phân biệt đối xử giữa lao động của mình với lao động thuê lại bị xử phạt bao nhiêu?
Căn cứ Khoản 1 Điều 12 Nghị định 28/2020/NĐ-CP có quy định về xử phạt vi phạm quy định về cho thuê lại lao động như sau:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với bên thuê lại lao động có một trong các hành vi sau đây:
- Không thông báo, hướng dẫn cho người lao động thuê lại biết nội quy lao động và các quy chế khác của doanh nghiệp;
- Phân biệt đối xử về điều kiện làm việc đối với người lao động thuê lại so với người lao động của doanh nghiệp.
Như vậy, theo quy định như trên doanh nghiệp thuê lại lao động có hành vi phân biệt đối xử về điều kiện làm việc đối với lao động thuê lại so với lao động của mình có thể bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Lao động được cho thuê lại có các quyền và nghĩa vụ gì?
Căn cứ Điều 58 Bộ luật Lao động 2019 có quy định ngoài các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 5 của Bộ luật này, người lao động thuê lại có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Thực hiện công việc theo hợp đồng lao động đã ký với doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động;
- Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát hợp pháp của bên thuê lại lao động;
- Được trả lương không thấp hơn tiền lương của người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau;
- Khiếu nại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động trong trường hợp bị bên thuê lại lao động vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng cho thuê lại lao động;
- Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động để giao kết hợp đồng lao động với bên thuê lại lao động.
Như vậy, ngoài các quyền và nghĩa vụ cơ bản của người lao động theo Điều 5 Bộ luật lao động 2019. Người lao động thuê lại còn các các quyền và nghĩa vụ như trên.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn