Bị hạn chế về khoảng cách địa lý có được khởi kiện đòi quyền thừa kế hay không?
Bị hạn chế về khoảng cách địa lý có được khởi kiện đòi quyền thừa kế không?
Gia đình em có 6 anh chị em. Bố em được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu vào năm 1996. Bố em mất năm 2005, đến tháng 02/2010 Mẹ em làm thủ tục trao tặng quyền sử dụng đất cho em với diện tích là 550 m² trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương và 5 người con trong gia đình, vắng mặt một chị vì ở xa không về được.Tất cả các thành viên trong gia đình đều nhất trí và ký vào biên bản, giấy tờ do chính quyền địa phương soạn thảo và xác nhận, còn lại 600 m² đất mang tên mẹ em. Đến tháng 02/2010 em và Mẹ được nhà nước cấp gấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tháng 06/2013 Mẹ em mất, tất cả anh em trong gia đình đều được thừa kế tài sản đất đai của Mẹ em là 600 m² theo qui định. Nhưng đến nay chị em về lại làm đơn kiện đòi lại 550 m² đất mà Mẹ em lúc còn sống đã trao tặng quyền sử dụng đất cho em. Ban biên tập cho em hỏi như vậy việc khởi kiện đòi quyền thừa kế khi ở xa có được không?
Trả lời:
Căn cứ theo Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định người thừa kế theo pháp luật như sau:
- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy bố bạn mất không để lại di chúc thì tài sản riêng của bố bạn sẽ được phân chia theo pháp luật. Những người thừa kế sẽ là mẹ bạn và 6 anh chị em bạn. Nếu mảnh đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bố bạn là tài sản riêng của ông thì sẽ được chia đều thành 7 phần bằng nhau, mỗi đồng thừa kế sẽ được hưởng một phần; nếu mảnh đất đó (dù mang tên bố bạn) là tài sản do bố mẹ bạn tạo lập được thì sẽ được chia làm 2 phần bằng nhau, 1 phần được chia cho mẹ bạn, phần còn lại tiếp tục được chia thành 7 phần bằng nhau và mỗi đồng thừa kế được hưởng 1 phần.
Nhưng theo Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 về thời hiệu thừa kế:
- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
- Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
- Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
- Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Vì vậy chị bạn sẽ không có quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế nữa và bạn sẽ vẫn được quyền sử dụng mảnh đất 550 m² đó. Tuy vậy, nếu các anh, chị em bạn đồng ý xác nhận mảnh đất đó là tài sản thừa kế chung chưa chia thì chị bạn vẫn có thể yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.
Để hiểu rõ hơn Bạn có thể tham khảo thêm Luật dân sự 2015.
Khi không nhận thừa kế thì có phải trả nợ thay cha mẹ đã mất hay không?
Chào chuyên viên: Khi không được nhận thừa kế thì con có phải trả nợ thay cha mẹ đã mất hay không? Mong chuyên viên giải đáp thắc mắc trên giúp tôi. Xin cảm ơn.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 70 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì quyền và nghĩa vụ của con được quy định như sau:
1. Được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức.
2. Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.
3. Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc.
Con chưa thành niên tham gia công việc gia đình phù hợp với lứa tuổi và không trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
4. Con đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mình. Khi sống cùng với cha mẹ, con có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình.
5. Được hưởng quyền về tài sản tương xứng với công sức đóng góp vào tài sản của gia đình.
Trong quy định này con cái không có nghĩa vụ phải trả nợ thay cho cha mẹ. Tuy nhiên trong trường hợp nhận thừa kế từ cha mẹ thì những người thừa kế lại phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, được quy định cụ thể ở Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.
Lúc này, nếu cha mẹ chết khi chưa trả xong nợ thì mỗi người con được hưởng thừa kế phải dùng tài sản mà mình được hưởng để trả. Riêng người con không nhận thừa kế, nếu có thỏa thuận sẽ trả nợ thay những người thừa kế thì mới phải trả khoản nợ cha mẹ đã chết để lại.
Con gái đã xuất giá theo chồng có được hưởng quyền thừa kế không?
Xin chào Ban biên tập. Vừa qua Ba tôi đột ngột qua đời và không để lại di chúc. Tôi là con thứ 2 trong nhà đã xuất giá theo chồng 2 năm trước. Xin hỏi vậy tôi có được hưởng quyền thừa kế không? Mong Ban biên tập hỗ trợ! Xin cảm ơn!
Trả lời: Căn cứ theo Điều 610 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân như sau:
Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Điều 651 của Bộ luật Dân sự quy định người thừa kế theo pháp luật như sau:
- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định những người sau đây không được quyền hưởng di sản như sau:
+ Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
+ Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
+ Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
+ Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
- Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.
Như vậy, con gái dù đã “xuất giá theo chồng” thì vẫn thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cha mẹ, người để lại di sản thừa kế. Do đó, nếu di sản được chia theo pháp luật thì dù đã lấy chồng hay chưa, người con gái vẫn được hưởng di sản thừa kế từ bố mẹ ngoại trừ nếu thuộc các trường hợp không được hưởng.
Trân trọng!
Lê Bảo Y