Pháp lý liên quan đến phụ lục hợp đồng lao động
Quyết định tăng lương thay cho phụ lục hợp đồng được không?
Đầu mỗi năm, công ty thực hiện chế độ tăng lương cho người lao động. Cho hỏi, công ty có thể sử dụng quyết định tăng lương để thay cho việc ký phụ lục hợp đồng lao động với người lao động theo mức lương mới hay không?
Trả lời: Điều 21 Bộ luật lao động 2019 có quy định mức lương là một trong những nội dung phải có trong hợp đồng lao động.
Mặt khác, theo Điều 33 Luật này, việc sửa đổi nội dung hợp đồng lao động (thay đổi mức lương) được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
Do đó, sau khi tăng lương cho người lao động thì công ty phải ký phụ lục hợp đồng hay ký lại hợp đồng lao động mới với người lao động.
Dù Quyết định nâng lương có lợi cho người lao động nhưng chưa chắc được người lao động chấp nhận. Vì vậy, Quyết định nâng lương không thể thay thế cho Phụ lục hợp đồng lao động.
Ký phụ lục hợp đồng lao động để kéo dài hợp đồng lao động lần thứ 2 mới bị xử phạt
Cho hỏi: Theo quy định pháp luật hiện hành thì trường hợp doanh nghiệp thực hiện việc ký phụ lục hợp đồng lao động để kéo dài hợp đồng lao động sẽ bị xử phạt bao nhiêu?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
1. Phụ lục hợp đồng lao động là bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động.
2. Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung điều, khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.
=> Như vậy, theo quy định nêu trên thì phụ lục hợp đồng lao động không được thay đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
Tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, có quy định:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trong đó có.
Sửa đổi quá một lần thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động hoặc khi sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động làm thay đổi loại hợp đồng lao động đã giao kết trừ trường hợp kéo dài thời hạn hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi và người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật Lao động.
=> Như vậy, theo quy định nêu trên thì việc sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động sẽ bị xử phạt lần thứ 2 trở đi. Mức phạt dựa trên số lượng lao động.
Ký phụ lục hợp đồng lao động để sửa đổi thời hạn và gia hạn thời hạn hợp đồng có giống nhau?
Tại Khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
Vậy trường hợp bên em gần hết hạn hợp đồng mà bên em không ký hợp đồng lao động mới thay vào đó bên em ký phụ lục gia hạn thời hạn của hợp đồng thêm 2 năm còn các nội dung khác vẫn thực hiện như hợp đồng cũ thì có được không ạ? Không rõ việc gia hạn bên em và quy định sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động ở trên có giống nhau không ạ?
Trả lời: Như bạn đã biết, theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động 2019 thì:
Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
Nội dung "sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động" trong quy định này được hiểu là điều chỉnh lại thời gian hợp đồng lao động đã ký bằng phụ lục hợp đồng. Chẳng hạn trước đây ký hợp đồng lao động 2 năm nhưng bây giờ ký phụ lục để đổi thành 1 năm, 3 năm hoặc 1 thời hạn khác.
Còn gia hạn hợp đồng lao động là thuật ngữ không được quy định trong Bộ luật Lao động, tuy nhiên như trường hợp của công ty bạn thì có thể thấy gia hạn hợp đồng là khi hết hạn hợp đồng lao động thứ nhất thì bên bạn muốn tiếp tục ký hợp đồng lao động mới với thời hạn tương tự hợp đồng cũ tuy nhiên, chỉ ký phụ lục với nội dung gia hạn thêm thời hạn của hợp đồng thì bản chất đây vẫn là việc kéo dài thời hạn hợp đồng (làm thay đổi thời hạn hợp đồng).
Tuy nhiên, theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 thì:
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết.
Như vậy, trong trường hợp của công ty bạn, khi hết hạn hợp đồng, nếu hai bên đồng ý ký tiếp thì bắt buộc phải được ký bằng một hợp đồng lao động mới. Pháp luật hiện hành không cho phép "gia hạn" bằng phụ lục hợp đồng lao động.
Trân trọng.
Thư Viện Pháp Luật