Phải hoạt động từ 03 năm trở lên thì nhà thầu mới có thể tham gia đấu thầu?
Phải hoạt động từ 03 năm trở lên thì nhà thầu mới có thể tham gia đấu thầu?
Căn cứ Khoản 1 Điều 5 Luật Đấu thầu 2013 quy định về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư là tổ chức như sau:
- Nhà thầu, nhà đầu tư là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
+ Có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu, nhà đầu tư đang hoạt động cấp;
+ Hạch toán tài chính độc lập;
+ Không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật;
+ Đã đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
+ Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Điều 6 của Luật này;
+ Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu;
+ Có tên trong danh sách ngắn đối với trường hợp đã lựa chọn được danh sách ngắn;
+ Phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước đối với nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc nào của gói thầu.
Bên cạnh đó tại Điều 13 Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định chuẩn bị, nộp và đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư như sau:
- Nhà đầu tư chịu trách nhiệm chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án tới Sở Kế hoạch và Đầu tư và trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia căn cứ nội dung thông tin được công bố theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 12 Nghị định này. Hồ sơ đăng ký thực hiện dự án của nhà đầu tư bao gồm: Văn bản đăng ký thực hiện dự án; hồ sơ về tư cách pháp lý, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư; các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
- Hết thời hạn đăng ký thực hiện dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan có liên quan đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư đã gửi hồ sơ đăng ký thực hiện dự án.
- Căn cứ kết quả đánh giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc tổ chức thực hiện theo một trong hai trường hợp sau:
+ Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu, Chủ tịch Ủy ban nhân cấp tỉnh ra quyết định áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 10 Nghị định này; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng tải danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định này; giao cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện là bên mời thầu;
+ Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu, Chủ tịch Ủy ban nhân cấp tỉnh ra quyết định giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo và hướng dẫn nhà đầu tư nộp hồ sơ trình quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật khác có liên quan. Việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư tuân thủ theo quy định của pháp luật về đất đai.
Như vậy theo quy định hiện hành đối chiếu với trường hợp mà bạn đề cập thì không có quy định về yêu cầu đối với nhà thầu, nhà đầu tư phải hoạt động từ 03 năm trở lên. Do đó không ai có thể cấm bạn tham gia đấu thầu.
Tuy nhiên trên thực tế kinh nghiệm của nhà thầu cũng đóng 01 phần quan trọng trong việc đánh giá trúng thầu.
Tư cách hợp lệ của nhà thầu là cá nhân
Bên cạnh đó, tại Khoản 2 Điều 5 Luật Đấu thầu 2013 cũng quy định về một số điều kiện về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư là cá nhân như sau:
Nhà thầu, nhà đầu tư là cá nhân có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật của nước mà cá nhân đó là công dân;
+ Có chứng chỉ chuyên môn phù hợp theo quy định của pháp luật;
+ Đăng ký hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật;
+ Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu.
Theo đó, ngoài nhà thầu là tổ chức thì đối với nhà thầu, nhà đầu tư là cá nhân cũng không có quy định về thời gian hoạt động phải từ 03 năm trở lên.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi