Trường hợp có con ngoài giá thú và con ruột thì được nhận thừa kế bằng nhau hay không?
Trường hợp có con ngoài giá thú và con ruột thì được nhận thừa kế bằng nhau không?
Mẹ mình có nhận một khối tài sản thừa kế từ mẹ nuôi. Mẹ mình có 2 người con, 1 trai 1 gái. Người con trai ngoài giá thú, mình là con gái của mẹ và ba mình có hôn thú. Ba mình mất trước khi mẹ đứng tên thừa kế tài sản từ mẹ nuôi. Vậy trong trường hợp mẹ mình qua đời không có di chúc thì tài sản của mẹ mình được phân chia cho 2 người con như thế nào là đúng pháp luật?
Trả lời: Bố bạn mất trước khi mẹ đứng tên thừa kế tài sản từ mẹ nuôi. Do đó, phần tài sản mà mẹ bạn nhận được từ mẹ nuôi là tài sản riêng.
Điều 613 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
- Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
=> Do bố bạn mất trước khi mẹ đứng tên thừa kế tài sản từ mẹ nuôi (tức là mất trước thời điểm mở thừa kế) nên sẽ không được nhận thừa kế phần di sản của mẹ bạn để lại.
Trường hợp của bạn, mẹ bạn mất không có di chúc thì di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất.
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015, hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
=> Quy định này không phân biệt quyền thừa kế theo pháp luật của con trong giá thú hay ngoài giá thú đối với di sản của mẹ. Vì vậy, nếu người con trai ngoài giá thú của mẹ bạn có đầy đủ chứng cứ để chứng minh anh ta là con của bà với một người đàn ông không có hôn thú thì vẫn được pháp luật bảo vệ quyền được hưởng thừa kế.
Khoản 2 Điều 651 Bộ luật này có quy định:
- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Do chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của mẹ bạn không còn nên khi mẹ bạn mất, di sản thừa kế sẽ được chia đều cho 2 người con là bạn và người con trai ngoài giá thú của mẹ. Như vậy, 2 người sẽ được hưởng phần di sản thừa kế bằng nhau và bằng ½ di sản mà mẹ để lại.
Chia thừa kế trong trường hợp vợ chồng đã chia tài sản chung
Bà ngoại em lấy chồng ở nơi khác cách đây mấy chục năm trước. Ông ngoại em mất cách đây 7 năm. Vậy bà em có được hưởng quyền thừa kế không ạ và thủ tục cần những gì ạ?
Trả lời: Ở câu hỏi của bạn thì căn cứ vào khoản 1 Điều 655 Bộ luật dân sự 2015 quy định
“Trường hợp vợ chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản”.
Do đó, bà của bạn vẫn có quyền thừa kế di sản do ông của bạn để lại. Để được hưởng di sản thừa kế bà của bạn phải yêu cầu tòa án tiến hành chia di sản theo thủ tục tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, cần lưu ý về thời hiệu yêu cầu chia thừa kế đối với bất độn sản là 30 năm và đối với động sản là 10 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015.
Bán đất không có sự đồng ý của người đồng thừa kế có kiện được không?
Em chào anh chị, cho em hỏi: Ông bà nội em mất năm 1983 và 1986 có để lại một mảnh vườn mà không có di chúc mãi năm 1992 bác em làm sổ đỏ mang tên bác em giờ bác em bán một nửa mảnh vườn mà không thông qua ý kiến của bố em mà bán giờ mình có kiện được không?
Trả lời: Theo Điểm d Khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự 2015 quy định các giao dịch được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực thì thời hiệu được áp dụng theo Bộ luật dân sự 2015.
Khi ông bà nội bạn mất để lại mảnh đất không có di chúc thì những người con của ông bạn được định là đồng thừa kế.
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 632 Bộ luật dân sự 2015 quy định thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản như sau:
Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
- Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
- Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
Mặt khác, tại Khoản 1 Điều 611 Bộ luật dân sự 2015 quy định thời điểm mở thừa kế như sau: Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.
Theo bạn cung cấp ông bà nội bạn mất năm 1983 và 1986 đã quá 30 năm như vậy bố bạn không được yêu cầu chia di sản thừa kế mà ông bà bạn để lại.
Trân trọng!
Lê Bảo Y