Người đi khám chữa bệnh có bị phân biệt đối xử? Hành vi phân biệt đối xử người khám chữa bệnh có bị phạt không?
Người khám chữa bệnh có bị phân biệt đối xử không?
Căn cứ Điều 3 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 có quy định về nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như sau:
- Bình đẳng, công bằng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh.
- Tôn trọng quyền của người bệnh; giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 8, khoản 1 Điều 11 và khoản 4 Điều 59 của Luật này.
- Kịp thời và tuân thủ đúng quy định chuyên môn kỹ thuật
- Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng, người từ đủ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng, phụ nữ có thai.
- Bảo đảm đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề.
- Tôn trọng, hợp tác và bảo vệ người hành nghề khi làm nhiệm vụ.
Theo điều 9 Luật này có quy định về quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh như sau:
- Không bị kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc bị ép buộc khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 66 của Luật này.
- Được tôn trọng về tuổi tác, giới tính, dân tộc, tín ngưỡng.
- Không bị phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội.
Như vậy, người bệnh khi đi khám bệnh, chữa bệnh sẽ không bị phân biệt đố xử, không bị phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội.
Phân biệt đối xử với người bệnh có bị xử phạt không?
Căn cứ Khoản 3 Điều 48 Nghị định 117/2020/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của người hành nghề trong khi đang khám bệnh, chữa bệnh;
- Không thực hiện đúng quy tắc ứng xử của người hành nghề theo quy định của pháp luật;
- Kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh.
Theo đó, người có hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh có thể bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và bị buộc xin lỗi người bệnh.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn