Được thừa kế một thửa đất trồng lúa đối với công chức hay không?
Được thừa kế một thửa đất trồng lúa đối với công chức không?
Xin hỏi, ông A là công chức được thừa kế một thửa đất trồng lúa. Ông A không phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì có được thừa kế thửa đất trên không?
Trả lời: Theo khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
Như vậy điều khoản này không áp dụng cho cá nhân được thừa kế. Ông A là công chức không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng là người thừa kế theo pháp luật nên không thuộc trường hợp này.
Cho nên ông A vẫn được nhận thừa kế thửa đất trên theo quy định nếu ông A không thuộc diện quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 quy định các trường hợp người không được quyền hưởng di sản.
Xử lý di sản thừa kế đối với người chưa thành niên
Vợ của anh trai tôi đã mất được 3 năm. Anh tôi có 1 cháu lớn 12 tuổi, cháu nhỏ 9 tuổi. Trong tài khoản BIDV của chị có một số tiền. Anh tôi đã làm các thủ tục, giấy tờ để rút số tiền đó. Nhưng ngân hàng BIDV không giải quyết cho rút và yêu cầu con phải đến 14 tuổi mới được rút số tiền đó. Vậy tôi xin hỏi bên ngân hàng xử lý trường hợp của anh tôi như vậy có đúng không?
Trả lời: Số tiền trong ngân hàng là di sản của vợ anh trai của bạn theo quy định tại Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trường hợp 1: Vợ anh bạn có để lại di chúc định đoạt số tiền trong Ngân hàng trên. Lúc này, chúng ta sẽ căn cứ theo di chúc mà thực hiện (Điều kiện là di chúc này phải có hiệu lực). Đồng thời xem xét Điều 644 về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.
Trường hợp 2: Vợ anh bạn không để lại di chúc, thì di sản sẽ được chia theo pháp luật (Chương 23 Bộ luật Dân sự 2015).
Hai cháu là người chưa thành niên, anh của bạn là cha của hai cháu, là người đại diện theo pháp luật của hai cháu. Việc định đoạt tài sản của người đại diện được quy định tại Khoản 2 Điều 141 Bộ luật dân sự 2015: "Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".
Đồng thời, khoản 1 Điều 77 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định: Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Hiện tại cả hai cháu đều đủ 9 tuổi cho nên anh của bạn phải xem xét nguyện vọng của con rồi mới quyết định được, trường hợp các con không đồng ý thì anh không thể rút tiền được. Đến khi các cháu đủ 15 tuổi thì có thể tự mình rút tiền được (theo khoản 2 Điều 77 Luật này).
Người thừa kế theo di chúc chết có ảnh hưởng đến hiệu lực của di chúc không?
Bố tôi viết di chúc để lại toàn bộ tài sản cho anh tôi. Tuy nhiên không may anh tôi lại chết vì tai nạn giao thông, hiện tại thì bố tôi vẫn còn sống. Vậy di chúc đó sẽ có hiệu lực thế nào khi anh tôi chết?
Trả lời: Khoản 2 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hiệu lực của di chúc như sau:
Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:
- Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
- Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.
Như vậy anh bạn (người thừa kế theo di chúc) chết trước người lập di chúc (bố bạn) thì di chúc sẽ không có hiệu lực bạn nhé.
Trân trọng!
Lê Bảo Y