Nếu không còn hàng thừa kế nào thì di sản sẽ thuộc về nhà nước liệu có đúng không?
Không còn hàng thừa kế nào thì di sản sẽ thuộc về nhà nước?
Người chết không có di chúc thì khi không còn hàng thừa kế nào thì di sản sẽ thuộc về nhà nước có đúng không?
Trả lời: Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì nếu không có di chúc, di sản sẽ được thừa kế theo pháp luật, những người thuộc những hàng thừa kế sẽ được nhận thừa kế theo thứ tự quy định.
Trường hợp người chết không có di chúc cũng không còn hàng thừa kế nào thì tài sản của người chết được xác định là tài sản không có người nhận thừa kế, Điều 622 Bộ luật này quy định:
Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.
Như vậy, có thể kết luận rằng nếu người chết không có di chúc và cũng không còn hàng thừa kế nào thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại sẽ thuộc về Nhà nước.
Cha chết trước ông nội, các con có được hưởng thừa kế không?
Xin hỏi, theo quy định pháp luật về chia thừa kế thì trường hợp cha chết trước ông nội, các con có được hưởng thừa kế không? Sau này ông nội chết Không để lại di chúc. Hiện chú tôi đang ở nhà ông nội.
Trả lời: Khi ông nội chết không để lại di chúc thì sẽ được chia theo pháp luật, cụ thể tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Bên cạnh đó, tại Điều 652 Bộ luật trên có nêu rõ về thừa kế thế vị như sau:
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Như vậy, con của ông nội gọi là chú sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng di sản do ông nội để lại với phần di sản bằng nhau. Tiếp đến vì cha của bạn đã chết trước ông nội. Do vậy, bạn là cháu của ông nội sẽ cùng được hưởng chung 01 phần di sản từ di sản của ông nội. Đây là phần di sản mà nếu cha bạn còn sống sẽ được hưởng và được tính bằng với phần di sản chú của bạn đã được hưởng theo quy định trên.
Anh chết thì em có được nhận di sản thừa kế không?
Xin hỏi, trường hợp người anh chết, không để lại di chúc thì người em ruột có được nhận di sản thừa kế theo pháp luật không?
Trả lời: Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định thừa kế theo pháp luật như sau:
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
Như vậy, thừa kế theo pháp luật được chia cho các hàng thừa kế, đối với em ruột thuộc hàng thừa kế thứ hai. Do vậy, vẫn có thể được nhận di sản thừa kế theo pháp luật từ anh ruột nếu không có hàng thừa kế thứ nhất hoặc hàng thừa kế thứ nhất chia không hết, được chia lần lượt theo thứ tự nêu trên.
Trân trọng!
Lê Bảo Y