Các vị trí công việc của lao động nước ngoài mà doanh nghiệp trong nước được tuyển dụng

Doanh nghiệp tôi muốn tuyển dụng lao động nước ngoài vào làm vị trí quản lý, cho nên tôi muốn biết vị trí công việc này doanh nghiệp tôi sử dụng lao động nước ngoài có được không?

Doanh nghiệp được tuyển dụng lao động nước ngoài làm các vị trí nào?

Căn cứ Điều 152 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về điều kiện tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam như sau:

- Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu chỉ được tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

- Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trước khi tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Nhà thầu trước khi tuyển và sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải kê khai cụ thể các vị trí công việc, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm làm việc, thời gian làm việc cần sử dụng lao động nước ngoài để thực hiện gói thầu và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, theo quy định như trên đối với vị trí quản lý doanh nghiệp bạn có thể tuyển dụng lao động nước ngoài khi mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bạn.

Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cần đáp ứng các điều kiện nào?

Căn cứ Khoản 1 Điều 151 Bộ luật này người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

- Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;

- Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp quy định tại Điều 154 của Bộ luật này.

Theo đó, người lao động nước ngoài mà bạn doanh nghiệp bạn tuyển dụng cần phải đáp ứng các yêu cầu như trên thì mới có thể được làm việc tại Việt Nam.

Trách nhiệm của doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài và người lao động nước ngoài

Căn cứ Điều 153 Bộ luật này có quy định như sau:

- Người lao động nước ngoài phải xuất trình giấy phép lao động khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

- Người sử dụng lao động sử dụng người lao động nước ngoài làm việc cho mình mà không có giấy phép lao động thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Doanh nghiệp

Mạc Duy Văn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào