Tặng cho có điều kiện tài sản thừa kế
Câu hỏi của bạn khá phức tạp, các thông tin bạn nêu còn chung chung, không nêu rõ các cậu có trong sổ hộ khẩu nhưng có đứng tên trong sổ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cùng với bà ngoại bạn hay không, do đó chúng tôi xin được trả lời bạn như sau:
Trường hợp 1: Các cậu bạn có tên trong sổ hộ khẩu và đồng thời có quyền sở hữu đối với ngôi nhà (có đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở) thì việc thừa kế sẽ được chia như sau:
Trường hợp các cậu bạn có đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cùng với bà ngoại bạn, vậy theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật về nhà ở thì quyền sở hữu căn nhà đó thuộc về 03 người, bao gồm: bà ngoại bạn và 02 cậu. Vì thế, tài sản thừa kế của bà bạn để lại chỉ có 1/3 căn nhà nêu trên.
Vì vậy, nếu hai cậu muốn bán phần ngôi nhà do các cậu sở hữu là quyền tự do cá nhân của họ và gia đình bạn chỉ có quyền đối với 1/3 căn nhà của bà ngoại bạn để lại. Trong trường hợp mọi người thống nhất để lại cho hai cậu với điều kiện không được bán thì cũng chỉ trong phạm vi 1/3 căn nhà mà bà ngoại bạn để lại và cũng phải được sự đồng ý, cam kết của hai cậu. Nếu hai cậu út không đồng ý với điều kiện đó, các cậu có thể yêu cầu chia thừa kế 1/3 ngôi nhà do ngoại bạn để lại và khi đó, theo quy định về chia thừa kế theo pháp luật, các cậu của bạn sẽ được một phần bằng các dì và mẹ bạn trong 1/3 ngôi nhà mà bà ngoại bạn để lại, và các cậu có toàn quyền đối với phần thừa kế của mình mà không phải ràng buộc điều kiện gì.
Ví dụ: giả sử bà ngoại bạn có 05 người con, 1/3 ngôi nhà của bà ngoại bạn để lại trị giá 150 triệu, ông ngoại bạn đã mất, căn cứ theo Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 về hàng thừa kế thứ nhất của bà ngoại bạn gồm có 05 người con, vậy mỗi người sẽ được hưởng phần thừa kế trị giá 30 triệu. Nếu theo thỏa thuận, do các cậu có quyền sở hữu 2/3 ngôi nhà và các cậu muốn giữ lại ngôi nhà đó thì có nghĩa vụ chuyển trả cho các dì và mẹ bạn mỗi người 30 triệu. Trường hợp các dì và mẹ bạn thống nhất để lại cho các cậu nhưng không được bán thì điều kiện đó chỉ có hiệu lực đối với phần căn nhà trị giá 90 triệu (tôi giả sử bạn có 02 dì và mẹ bạn). Các phần khác của căn nhà thuộc quyền sở hữu đương nhiên của các cậu và các cậu có toàn quyền quyết định đối với phần tài sản đó.
Trường hợp 2: Các cậu bạn chỉ có tên trong sổ hộ khẩu chứ không có quyền đồng sở hữu căn nhà của bà ngoại bạn.
Trong trường hợp này, tương tự như trên sẽ chia thừa kế cho mỗi con được một phần bằng nhau. Tôi giả sử bà ngoại bạn có 05 người con thì mỗi cậu được 1/5 giá trị ngôi nhà. Nếu mẹ bạn và các dì thỏa thuận cho các cậu phần thừa kế của mình và không được bán thì điều kiện đó cũng chỉ có hiệu lực đối với phần thừa kế của mẹ bạn và các dì (tức đối với 3/5 ngôi nhà). Các cậu bạn vẫn có toàn quyền quyết định đồi với 2/5 ngôi nhà họ được thừa kế. Nếu trong trường hợp các cậu không muốn ở và muốn bán, mẹ và dì bạn muốn giữ lại ngôi nhà thì các cậu có quyền yêu cầu phần tiền tương ứng với phần căn nhà các cậu được thừa kế và mẹ và các dì của bạn sẽ phải trả cho các cậu số tiền tương ứng với phần thừa kế của các cậu.
Thư Viện Pháp Luật