Việc điều tiết thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ BHYT trong phạm vi tỉnh được thực hiện như thế nào?
Điều tiết thuốc chống lao trong phạm vi tỉnh
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 11 Thông tư 36/2021/TT-BYT (Có hiệu lực từ 15/02/2022) quy định về việc điều tiết thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ BHYT trong phạm vi tỉnh như sau:
- Đơn vị đầu mối cấp tỉnh thực hiện điều tiết số lượng thuốc tăng thêm trong phạm vi không vượt quá 20% (hai mươi phần trăm) so với tổng số lượng thuốc được phân bổ trong thỏa thuận khung cho tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn;
- Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có nhu cầu sử dụng thuốc tăng thêm vượt quá 20% (hai mươi phần trăm) so với số lượng đã được phân bổ trong thỏa thuận khung, việc điều tiết thuốc trên địa bàn tỉnh thực hiện như sau:
+ Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn gửi văn bản đề nghị điều tiết thuốc đến đơn vị đầu mối cấp tỉnh, trong đó nêu rõ số lượng thuốc cần điều tiết tăng, giảm và thuyết minh lý do;
+ Trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị điều tiết của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Đơn vị đầu mối cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát số lượng thuốc đã sử dụng, số lượng thuốc còn tồn kho, số lượng thuốc còn lại trong thỏa thuận khung của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn để quyết định việc điều tiết. Đơn vị đầu mối cấp tỉnh có văn bản điều tiết gửi đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được điều tiết (gồm cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhận thuốc điều tiết và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều tiết thuốc đi), nhà thầu trúng thầu để thực hiện điều tiết và cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để phối hợp thực hiện;
+ Trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Đơn vị đầu mối cấp tỉnh, nhà thầu trúng thầu thực hiện điều tiết thuốc theo đúng yêu cầu của Đơn vị đầu mối cấp tỉnh và có trách nhiệm thực hiện ký phụ lục hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhận thuốc điều tiết và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều tiết thuốc đi.
Điều tiết thuốc chống lao trên phạm vi toàn quốc:
Tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư 36/2021/TT-BYT (Có hiệu lực từ 15/02/2022) quy định về điều tiết thuốc trên phạm vi toàn quốc như sau:
- Đơn vị đầu mối cấp quốc gia thực hiện điều tiết số lượng thuốc tăng thêm trong phạm vi không vượt quá 30% (ba mươi phần trăm) tổng số lượng thuốc đã được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
- Trường hợp số lượng thuốc tăng thêm vượt quá 30% (ba mươi phần trăm) tổng số lượng đã được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đơn vị được Bộ Y tế giao nhiệm vụ mua sắm tập trung cấp quốc gia thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế tiến hành các thủ tục mua sắm bổ sung theo quy định của pháp luật về đấu thầu và các quy định tại Thông tư này.
- Quá trình thực hiện điều tiết thuốc trên phạm vi toàn quốc:
+ Khi vượt quá phạm vi điều tiết thuốc quy định tại khoản 1 Điều này, Đơn vị đầu mối cấp tỉnh có văn bản đề nghị điều tiết thuốc gửi cho Đơn vị đầu mối cấp quốc gia;
+ Trong thời gian 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Đơn vị đầu mối cấp tỉnh, Đơn vị đầu mối cấp quốc gia có trách nhiệm rà soát số lượng thuốc đã sử dụng, số lượng thuốc còn tồn kho, số lượng thuốc còn lại trong thỏa thuận khung của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc để quyết định việc điều tiết. Đơn vị đầu mối cấp quốc gia có văn bản điều tiết gửi đến Đơn vị đầu mối cấp tỉnh, nhà thầu trúng thầu để thực hiện điều tiết và cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để phối hợp thực hiện;
+ Trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Đơn vị đầu mối cấp quốc gia, nhà thầu trúng thầu có trách nhiệm điều tiết thuốc theo yêu cầu của Đơn vị đầu mối cấp quốc gia.
Điều tiết thuốc với cơ sở y tế chưa được tổng hợp nhu cầu sử dụng thuốc chống lao
Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có nhu cầu thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế nhưng chưa được tổng hợp nhu cầu khi xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc, quy trình điều tiết được thực hiện theo quy tại Khoản 3 Điều 11 Thông tư này như sau:
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gửi văn bản đề nghị điều tiết thuốc gửi về Đơn vị đầu mối cấp tỉnh để tổng hợp và gửi báo cáo Đơn vị đầu mối cấp quốc gia. Trong vòng 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Đơn vị đầu mối cấp tỉnh phải gửi nhu cầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về Đơn vị đầu mối cấp quốc gia;
- Trong vòng 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của đơn vị đầu mối cấp tỉnh, Đơn vị đầu mối cấp quốc gia tổng hợp, rà soát nhu cầu sử dụng, số lượng thuốc đã mua, số lượng thuốc còn lại trong thỏa thuận khung của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc để quyết định việc điều tiết;
- Trong vòng 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày ký kết bổ sung phụ lục thỏa thuận khung, nhà thầu trúng thầu thực hiện việc ký hợp đồng bổ sung cung ứng thuốc chống lao cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phát sinh nhu cầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
- Nhà thầu trúng thầu có trách nhiệm gửi các hợp đồng đã ký với từng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được bổ sung, kèm theo danh sách các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà nhà thầu đã thực hiện ký bổ sung hợp đồng cung ứng thuốc chống lao đến Đơn vị đầu mối cấp quốc gia, Đơn vị đầu mối cấp tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh. Danh sách bao gồm các thông tin: Mã cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tên và địa chỉ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ký hợp đồng; số hiệu, ngày ký hợp đồng bổ sung; thời gian hiệu lực của hợp đồng; giá trị thực hiện hợp đồng bổ sung. Trong vòng 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng, nhà thầu trúng thầu có trách nhiệm thực hiện cung ứng thuốc chống lao cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được bổ sung;
- Trường hợp không điều tiết thì Đơn vị đầu mối cấp quốc gia gửi văn bản đến Sở Y tế và Đơn vị đầu mối cấp tỉnh để thông tin đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh biết. Trong văn bản nêu rõ lý do không điều tiết.
Trân trọng!