Việc đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ theo thủ tục hành chính được giải quyết theo trình tự như thế nào?
Căn cứ Khoản 3 Điều 15 Nghị định 138/2021/NĐ-CP quy định về trình tự giải quyết việc đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ theo thủ tục hành chính như sau:
- Tổ chức, cá nhân vi phạm phải làm đơn gửi người có thẩm quyền tạm giữ đề nghị đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông vi phạm hành chính để được giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính; trong đơn ghi rõ họ tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân, nơi thường trú, nơi tạm trú, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm, hành vi vi phạm hành chính, tên, số lượng, đặc điểm, chủng loại, số hiệu, nhãn hiệu, ký hiệu, xuất xứ, năm sản xuất, số máy, số khung, dung tích (nếu có), tình trạng của phương tiện, nơi đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện sau khi được cơ quan có thẩm quyền giao giữ, bảo quản phương tiện;
- Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị đặt tiền để bảo lãnh, người có thẩm quyền tạm giữ phải xem xét, quyết định việc cho phép đặt tiền để bảo lãnh và giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần phải có thêm thời gian để xác minh thì trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị đặt tiền để bảo lãnh, người có thẩm quyền tạm giữ phải xem xét, quyết định việc cho phép đặt tiền để bảo lãnh và giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản. Trường hợp không đồng ý việc đặt tiền để bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do;
- Sau khi người có thẩm quyền tạm giữ ra quyết định cho đặt tiền bảo lãnh, tổ chức, cá nhân có thể nộp tiền đặt bảo lãnh trực tiếp hoặc qua tài khoản cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện. Mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm; trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm.
Việc đặt tiền bảo lãnh phải được lập thành biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ địa điểm lập biên bản, ngày, tháng, năm đặt tiền bảo lãnh; họ, tên, chức vụ của người quyết định cho đặt tiền bảo lãnh; tên tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân của cá nhân đặt tiền; lý do đặt tiền bảo lãnh; mức tiền đặt bảo lãnh; thời hạn đặt tiền bảo lãnh; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh. Biên bản phải có chữ ký của người có thẩm quyền quyết định cho đặt tiền bảo lãnh và tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh. Biên bản được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
Trân trọng!